Khi tiếp tay cho việc lan truyền một tin giả động trời gây tác hại rất nghiêm trọng cho tổ chức và cá nhân liên quan thì nên xử lý và phải xử lý như thế nào ?
Là phạt ? Và phạt vài ba triệu. Thế thì vài ba triệu có bù đắp đủ cho những tổn thất và tổn hại của tổ chức và cá nhân bị nêu tên? Rồi sau án phạt vài ba triệu ấy, các diễn đàn kiểu ấy lại đĩnh đạc hoạt động trở lại với thông điệp sáng chói là “chở che cho những tiếng nói yếu ớt trong cộng đồng”.
Rồi phạt ai ? Từ một vài chất liệu hình ảnh và âm thanh của một đoạn clip dữ kiện rất mơ hồ phát tán trên mạng mà kẻ nào đó lại có thể dựng lên một câu chuyện động trời về hai nữ sinh viên bị hiếp dâm trong trường quân sự. Rồi kẻ ấy được tiếp tay bởi một diễn đàn đứng danh một trường đại học lớn - nơi có những người đủ nền tảng kiến thức và hiểu biết thời cuộc để nhận ra mình nên lựa chọn kiểu hành vi nào khi tiếp nhận một thông tin kiểu như thế.
Những người giữ vai trò admin của diễn đàn trên mạng xã hội chỉ nghĩ rất đơn giản là tạo cơ hội cho tiếng nói của sự thật. Bài học cơ bản nhất họ cũng không nhận thức được, rằng “có thật” và “sự thật” là hai chuyện rất khác nhau. Và nhiều người thẳng tay chia sẻ lại thông tin này dưới nhãn một hành vi đạo đức không thể cao quý hơn: lên tiếng bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người bị hại.
Nhìn rộng ra, văn hóa “confession” (một trào lưu chia sẻ bí mật ẩn danh) phản ánh điều gì về bản lĩnh và trách nhiệm của những người trẻ tuổi trong hành xử xã hội ? Có những chuyện chỉ cần đơn giản là nói lên ý kiến của mình ở một kênh phản ánh nào đó đúng chỗ, thì không ít người trẻ tuổi lại chọn cách lạ lùng hơn là thổ lộ đầy cảm xúc trên confession. Chuyện họ thổ lộ trên confession chẳng có gì thú vị cả, nó chỉ là một loại thắc mắc cần có câu giải thích. Và họ hoàn toàn có thể có câu trả lời nếu hỏi đúng chỗ, với đúng người. Nhưng thả một câu chuyện lên confession dường như giúp họ thỏa mãn điều khác hơn, chứ không phải thỏa mãn nhu cầu đi tìm câu trả lời.
Confession là một phần khá thú vị của cái gọi là “nền dân chủ mạng xã hội”, và cũng nên là một phần không thể thiếu của văn hóa internet. Nhưng cái phần không thể thiếu ấy cũng không nên thiếu khuôn khổ về trách nhiệm pháp lý và đạo đức. Admin của bất cứ diễn đàn nào cũng đều phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký pháp lý, và phải trải qua một khóa học về trách nhiệm xã hội để “hành nghề” admin diễn đàn một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn. Các khuôn khổ pháp lý cho việc đăng thông tin dưới nhãn “ẩn danh” cũng phải được xác lập, dù việc ấy có thể gây ra khó chịu đối với nền “dân chủ mạng xã hội”.
Nói thẳng, đã đến lúc phải siết chặt lưới kiểm soát và chế tài đối với tất cả những ai gây ra những nguy hại cho xã hội dù dưới nhãn “vô ý”. Dư luận chờ đợi các cơ quan chức năng truy tới cùng trách nhiệm.
Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)