Giáo dục

Tuyển sinh

Phân luồng học sinh còn nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện phân luồng thời gian qua được đánh giá là thiếu hiệu quả, chưa có sự gắn kết giữa các bậc học.

Thông thường, ở nước ta, học sinh học hết lớp 9 có 3 lựa chọn: Thứ nhất, học lên THPT, sau đó mới học tiếp cao đẳng, đại học. Lựa chọn này phù hợp với các em học lực tốt, gia đình có điều kiện hỗ trợ lâu dài và bản thân mong muốn theo con đường học vấn. Thứ 2, lựa chọn học nghề sớm thường phù hợp với những em thi vào lớp 10 công lập không đậu, điều kiện kinh tế không cho phép học tư thục, muốn đi làm sớm để phụ giúp gia đình. Thứ 3, dừng việc học từ đây, thường rơi vào trường hợp năng lực học tập yếu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em là lực lượng lao động chính nên ở nhà phụ giúp gia đình. Phần đông học sinh vẫn lựa chọn con đường học THPT nhằm tạo đà thi vào đại học, nếu không đỗ mới quay sang học nghề.

Theo số liệu từ Trường Cao đẳng Gia Lai, giai đoạn 2018-2021, số học sinh THCS học lên THPT là 79,79%; số còn lại chỉ có 1,8% học trung cấp, 5,53% học sơ cấp và 11,84% học sinh ở nhà lao động phụ giúp gia đình. Như vậy, so với tỷ lệ phân luồng mà Nhà nước đưa ra thì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại Gia Lai vào học sơ cấp và trung cấp nghề là quá thấp. Bên cạnh đó, còn một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo lực lượng lao động của tỉnh nhà.

Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” thì đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh trong những năm qua chưa thể đạt được kỳ vọng.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, mấy năm gần đây, việc vừa học nghề vừa học văn hóa THPT ở các trường nghề trong cả nước đã thỏa mãn được nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Với chương trình này, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được học song song chương trình trung cấp chính quy và chương trình lớp 10, 11, 12 trong 3 năm. Cách học này đang được coi là hướng đi mới cho các bạn trẻ. Lợi ích của việc học chương trình này là các em sẽ được nhận 2 bằng sau khi kết thúc 3 năm học (bằng THPT và bằng trung cấp nghề); học phí trung cấp được trợ cấp 100%; được đào tạo kỹ năng mềm; khả năng tự lập tốt và có cơ hội tìm được việc làm sớm; được học liên thông lên đại học/cao đẳng chính quy, hoặc xét tuyển đại học… Và khi ra trường, học sinh cũng vừa đúng độ tuổi lao động (18 tuổi).

Những năm qua, Trường Cao đẳng Gia Lai rất khó khăn khi tuyển sinh, nhất là đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Mặc dù nhà trường đã chủ động tìm đến các trường để tư vấn trực tiếp cho các em học sinh lớp 9 hoặc kết hợp với chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền để thu hút đối tượng này. Đồng thời, nhà trường cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để đào tạo 2 văn bằng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những khó khăn đó là sau 2 năm học xong chương trình nghề, các em hết chế độ chính sách, nhiều em không biết bấu víu vào đâu để học hết năm cuối cấp của chương trình THPT. Vì vậy, năm học 2023 -2024, nhà trường tạm dừng đào tạo 2 bằng để chờ cơ chế mở thuận lợi hơn.

Thiết nghĩ, đây là mô hình hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, mở ra nhiều con đường lập nghiệp dành cho giới trẻ, đáp ứng tốt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Chương trình này cũng giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp sau khi ra trường vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế. Tuy nhiên, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc học văn hóa phải chuyển về các trung tâm giáo dục thường xuyên đã gây một số vấn đề bất cập cho các cơ sở đào tạo và người học.

Hy vọng thời gian đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách mới cho các trường nghề vùng miền núi còn nhiều khó khăn, trong đó cho phép các trường nghề được trực tiếp đào tạo song song 2 văn bằng (bằng nghề và bằng tốt nghiệp văn hóa THPT) như nguyện vọng của đa số học sinh.

Có thể bạn quan tâm