Phân luồng học sinh dân tộc thiểu số sau THCS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 4-5, tại Trường Cao đẳng nghề Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn phân luồng học sinh sau THCS trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh theo đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ. Khoảng 100 đại biểu đại diện Sở Lao động-Thương binh và xã hội, lãnh đạo các Phòng GD-ĐT, Ban giám hiệu các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú trong toàn tỉnh tham dự hội nghị. 
Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về công tác phân luồng học sinh sau cấp học THCS trên địa bàn tỉnh. Đánh giá chung, công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh học nghề sau THCS còn thấp, số học sinh dân tộc thiểu số sau khi kết thúc cấp học THCS trở về địa phương lao động tự do còn nhiều. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh của nhiều trường THCS, cơ sở đào tạo nghề chưa sâu rộng; nhận thức của người dân đối với công tác phân luồng học sinh sau THCS vào các trường đào tạo nghề chưa đúng mức và còn chạy theo bằng cấp...
Hội nghị diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Gia Lai. Ảnh Nguyễn Giang
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe báo cáo công tác đào tạo nghề cho học sinh sau THCS nói chung, học sinh dân tộc thiểu số nói riêng tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai trong 3 năm (từ 2017 đến 2019). Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có 19 ngành nghề đào tạo cho học sinh sau THCS. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, số lượng học sinh dân tộc thiểu số sau THCS tham gia học nghề tại đây rất ít, chỉ có 62 học viên dù nhà trường có nhiều chế độ đãi ngộ rất tốt,v.v...
Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận giải pháp phân luồng học sinh sau THCS như: tăng cường tiết dạy hướng nghiệp trong các trường phổ thông; đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề; linh hoạt hình thức tư vấn hướng nghiệp...phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu chất lượng lao động tại địa phương.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm