Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Phát hiện 3 quần tụ thiên hà mới độc đáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà thiên văn học Mỹ tìm ra 3 ứng viên của cụm thiên hà, hay còn được gọi là quần tụ thiên hà và đã xác nhận 2 trong số đó.

Hình ảnh qua kính viễn vọng không gian Hubble về cụm thiên hà CHIPS1911+4455. Ảnh: NASA
Hình ảnh qua kính viễn vọng không gian Hubble về cụm thiên hà CHIPS1911+4455. Ảnh: NASA
Năm 2012, nhà thiên văn học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Michael McDonald và các đồng nghiệp đã phát hiện ra SPT-CLJ2344-4243 - cụm thiên hà không giống bất kỳ thiên hà nào.
Thiên hà trung tâm của cụm này có một hố đen siêu lớn đang trong quá trình nuốt chửng khí hình thành sao, cung cấp năng lượng cho một cặp tia mạnh phun ra từ hố đen theo các hướng ngược nhau vào không gian giữa các thiên hà.
Lõi của thiên hà SPT-CLJ2344-4243, hay còn được gọi là cụm Phượng hoàng, hình thành các ngôi sao với tốc độ cao hơn gần 500 lần so với hầu hết cụm khác. Nhờ vậy, cụm thiên hà này có ánh sáng màu xanh của một quần thể sao trẻ thay vì màu đỏ điển hình của những ngôi sao già.
“Chúng tôi đã tìm kiếm một hệ thống như thế này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nó đã được nhìn thấy và bỏ qua nhiều năm trước đó vì được cho là một thiên hà đơn lẻ thay vì một cụm" - tiến sĩ Michael McDonald cho hay.
Với phát hiện này, các nhà khoa học cho rằng, có thể có những cụm thiên hà bất thường khác đang ẩn giấu trong không gian vũ trụ chờ được phát hiện. Do vậy, cuộc khảo sát các cụm thiên hà ẩn CHiPS được triển khai.
Nhóm của tiến sĩ McDonald xác định được 11 ứng viên cụm thiên hà bao gồm 6 cụm nổi tiếng cũng như 3 ứng viên mới: CHIPS 1356-3421, CHIPS 1911+4455 và CHIPS2155-3727.
Với dữ liệu theo dõi bổ sung từ kính viễn vọng tia X Chandra của NASA, các nhà nghiên cứu hiện xác nhận 2 ứng viên: CHIPS 1356-3421 và CHIPS 1911+4455.
Về nhiều phương diện, cụm thiên hà CHIPS 1911+4455 tương tự như cụm Phượng hoàng hình thành sao nhanh nhưng có hình thái học tia X bị nhiễu loạn cao trên quy mô lớn.
“Tuy nhiên, cụm này cần có các nghiên cứu thêm khi nó có hình dạng xoắn với hai nhánh mở rộng trong khi tất cả cụm làm lạnh đột ngột khác đều hình tròn. Chúng tôi tin rằng, nó có thể đã va chạm với một cụm thiên hà nhỏ hơn" - các nhà thiên văn học cho biết.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Taweewat Somboonpanyakul tại Viện Nghiên cứu Không gian và Vật lý Thiên văn Kavli của MIT nhấn mạnh: “Cụm này siêu độc đáo so với tất cả cụm thiên hà mà chúng ta biết hiện nay".
Nhìn chung, khảo sát CHiPS chỉ ra, các cuộc khảo sát bằng tia X cũ hơn đã bỏ sót khoảng 1% các vùng lân cận thiên hà vì chúng trông khác với cụm thông thường. Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng khi các nhà thiên văn học nghiên cứu các cụm thiên hà để tìm hiểu về cách vũ trụ mở rộng và phát triển. Bài báo về những phát hiện này đã được xuất bản trên Tạp chí Vật lý Thiên văn.
THANH HÀ (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/phat-hien-3-quan-tu-thien-ha-moi-doc-dao-896665.ldo

Có thể bạn quan tâm