DNA chiết xuất từ lõi đất của đảo băng giá Spitsbergen ở Bắc Cực đã hé lộ 131 gene có thể tạo ra các "siêu quái vật" tí hon cực kỳ nguy hiểm với loài người.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Environment International do giáo sư David Graham (Đại học Newcastle, Anh) đứng đầu đã hé lộ những vật liệu có thể tạo nên các "quái vật" siêu nhỏ và cực kỳ nguy hiểm, đang ẩn mình ở một trong những nơi hoang vu, băng giá nhất thuộc Bắc Cực.
Đảo Spitsbergen thuộc Na Uy, Bắc Cực - ảnh: SHUTTERSTOCK |
Ở miền đất tưởng chừng bị cô lập thuộc đảo Spitsbergen, một hòn đảo trên Bắc Băng Dương, thuộc địa phận Na Uy , các nhà khoa học đã tìm thấy 131 gene có thể tạo ra các siêu vi khuẩn đủ sức chống lại các kháng sinh của loài người và gây ra các bệnh nguy hiểm, đe dọa ngành y học và nông nghiệp.
Theo giáo sư Graham, phát hiện này có thể cung cấp cơ sở quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu về tính đề kháng kháng sinh. Sự lan rộng bất ngờ của các gene nguy hiểm này có thể tạo nên "một thế giới của các chủng kháng thuốc chưa từng tồn tại trước đây" – giáo sư Graham nói. Nghiên cứu cũng cho thấy thế giới của các "siêu quái vật" kháng kháng sinh thậm chí còn tồn tại trước cả con người.
Thông qua việc lạm dụng thuốc kháng sinh, con người đã đẩy nhanh tốc độ tiến hóa của vi khuẩn, virus và từ đó tạo ra những "siêu quái vật" tí hon nhưng có sức mạnh ngày một ghê gớm.
Lý do mà các gene nguy hiểm kia có thể tìm đến tận miền đất không người này được cho là do một số động vật, ví dụ như những chú chim đi lạc từ thế giới loài người đầy mầm bệnh, hay theo chân các nhà thám hiểm.
Cũng vừa mới đây, Bắc Cực lại hé lộ với một nhóm nghiên cứu khác đến từ Đại học Colorado (Mỹ) một miền đất bí ẩn bị nó giấu kín suốt 120.000 năm qua. Vì băng tan, miền đất kỳ lạ đã lộ diện trên đảo Baffin, Canada, phơi bày thế giới cổ đại với những thảm thực vật kỳ thú dưới lớp băng mỏng mà các nhà khoa học có thể dễ dàng nhìn xuyên thấu y như nhìn qua chiếc hộp kính của bảo tàng.
Băng tan hé lộ thế giới 120.000 năm trước ở Bắc Cực - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp |
Các phép đo khoáng chất trong đá cho thấy thảm thực vật bị "hóa đá" mà các nhà khoa học trông thấy ít nhất đã bị chôn vùi trong 40.000 năm băng phủ liên tục. Nhưng đối chiếu với các thời kỳ của trái đất mà các nghiên cứu trước đó chứng minh, các nhà khoa học tin rằng miền đất này đã được băng giá đưa "vượt thời gian" tận 120.000 năm bởi lẽ đó là thời kỳ ấm áp cuối cùng đủ để miền đất đó không bị phủ băng và các sinh vật cổ đại này có cơ hội sinh sôi. Suốt 120.000 năm, mọi thứ được chôn vùi và bảo quản tốt bên dưới lớp băng dày, chưa từng thấy lại ánh sáng mặt trời.
A. Thư (Theo Live Science)