Theo Live Science, các loài mèo này đã lang thang ở châu Phi tận 5,2 triệu năm trước, thuộc nhóm "mèo răng kiếm".
Phát hiện được cho là đã thay đổi những gì các nhà khoa học biết về nhóm sinh vật họ mèo đã tuyệt chủng này, cũng như làm sáng tỏ các thay đổi môi trường xảy ra điều đó, gián tiếp tiết lộ lý do tại sao tổ tiên loài người bắt đầu tập đi bằng hai chân.
Hộp sọ khổng lồ của mèo răng kiếm - Ảnh: iScience |
Hài cốt hóa thạch của 4 loài mèo tuyệt chủng đã dược tìm thấy trong "kho báu" cổ sinh vật học gần thị trấn Langebaanweg trên bờ biển phía Tây của Nam Phi.
Chúng bao gồm 2 loài mèo cổ đại đã biết là Adeilosmilus kabir và Yoshi obscura, cùng với 2 loài mới, vừa được đặt tên là Dinofelis werdelini và Lokotunjailurus chimsamyae.
Cả 4 loài đều thuộc phân họ Machairodontinae, một nhóm mèo ăn thịt đã tuyệt chủng. Cái tên Machairodontinae có nghĩa là "răng dao găm", một sự mô tả hoàn toàn chính xác "dung nhan" của chúng.
Ảnh đồ họa phục dựng vẻ ngoài của mèo răng kiếm, trông như một con báo cỡ lớn với bộ răng khủng khiếp hơn - Ảnh: Shutterstock |
Đúng như tên gọi, hài cốt của những con mèo quái vật bao gồm hộp sọ khổng lồ với bộ răng chắc khỏe, trong đó đáng sợ nhất là cặp răng dài, sắc, y như các con hổ răng kiếm kỷ băng hà hay được mô tả trong phim ảnh.
Viết trong bài công bố hôm 20-7 trên tạp chí iScience, các nhà khoa học cho biết việc phát hiện ra Dinofelis werdelini không gây ngạc nhiên vì các loài gần với nó đã được xác định trước đó ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lokotunjailurus chimsamyae gây sốc vì mang những đặc điểm dị biệt, chỉ gần với một số loài cùng chi ở Kenya và Chad.
Các phát hiện này cũng cho thấy mèo răng kiếm có thể có địa bàn rộng hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, chiếm các "hốc sinh thái" rất khác nhau để cùng tồn tại ở khu vực này trong cùng một thời điểm.
Lokotunjailurus chimsamyae và Adeilosmilus kabir có thể chạy cực nhanh, chiếm lĩnh các đồng cỏ, trong khi 2 loài còn lại nhỏ hơn và linh hoạt hơn, phù hợp với rừng rậm.
Có thể chính sự biến đổi khí hậu biến châu Phi thời kỳ đó từ một khu rừng khổng lồ thành đồng cỏ rộng mở khiến nhóm mèo quái vật này tiến hóa đa dạng, và có thể là nhiều loài khác nữa.
Yếu tố thay đổi môi trường này cộng với việc thích nghi trong một thế giới đầy quái vật đủ hình, đủ kiểu như vậy có thể là kích thích tố quan trọng đối với sự tiến hóa của con người.
5 triệu năm trước chính là mốc mà vượn nhân hình bắt đầu tập đi bằng hai chân. Qua hàng triệu năm tiến hóa, đến khoảng hơn 2 triệu năm trước, nhân loại đã có loài đầu tiên hoàn toàn đứng thẳng như ngày nay là Homo erectus, tức "Người Đứng Thẳng".