Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Phát hiện hành tinh gấp đôi trái đất có nước và có thể cả sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơi nước quý giá đã được tìm thấy trong bầu khí quyển của siêu trái đất nằm trong vùng sự sống của một "hệ mặt trời" khác.

 

Hệ hành tinh với trung tâm là sao lùn đỏ K2-18 hứa hẹn là một "hệ mặt trời" mang sự sống khác, nhờ những bằng chứng tuyệt vời mà các nhà khoa học từ University College London (UCL, thuộc Đại học London – Anh) vừa công bố.

 

Siêu trái đất có nước và
Siêu trái đất có nước và "mặt trời" đỏ bé nhỏ của nó -Ảnh đồ họa của M. Kornmesser từ dữ liệu NASA/ESA



Họ đã phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của K2-18b, hành tinh có kích thước gần gấp đôi trái đất, quay gần sao mẹ nhất trong hệ hành tinh này. Có hơi nước trong khí quyển tức K2-18b rất có thể tồn tại ao, hồ, đại dương giống trái đất và hơi nước ở đây có sự tuần hoàn. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng bời từ lâu, K2-18b đã được xác định nằm trong "vùng sự sống" của sao mẹ.

"Vùng sự sống" hay "vùng Goldilocks", "vành đai xanh" chỉ khu vực cách ngôi sao mẹ một cách vừa phải để những hành tinh kiểu trái đất có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt, đồng nghĩa với có điều kiện nhiệt độ vừa phải, thích hợp để sự sống tồn tại. Ví dụ trái đất là hành tinh nằm trong vùng sự sống của Mặt trời.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn đang tìm hiểu về bản chất của K2-18b. Nó rất có thể là một siêu trái đất đá, với một bầu khí quyển dày và rộng lớn; và cũng có thể là một thế giới đại dương với hầu hết bề mặt được bao phủ bởi nước.

Nhưng cho dù thế nào, theo nhà nghiên cứu chính Angelos Tisiara từ Khoa Vật lý và Thiên văn của UCL, K2-18b là một trong những ứng cử viên tốt nhất cho sự sống ngoài hành tinh mà giới khoa học xác định được cho đến nay.

Kết quả này dựa trên một kỹ thuật được gọi là "quang phổ chuyển tuyến". Khi hành tinh đi ngang mặt ngôi sao mẹ theo góc nhìn từ trái đất, một phần ánh sáng sao được lọc qua bầu khí quyển hành tinh, để lại "dấu vân tay" đặc trưng trên ánh sáng. Việc phân tích ánh sáng đã giúp các nhà khoa học "đọc" được thành phần bầu khí quyển.

Họ ước tính khí quyển hành tinh này có thể chứ từ 0,01% đến 50% nước và có một lượng hydro đáng kể. Bầu trời hành tinh này có thể tồn tại ở một trong 3 dạng: không mây, chỉ chứa nước và hydro-heli; có mây, có nước, hydro-heli và nitơ phân từ; có nhiều mây, nước và hydro-heli.

K2-18b và ngôi sao mẹ của nó nằm cách chúng ta tận 110 năm ánh sáng, được phát hiện từ năm 2015 bởi Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA. Hệ hành tinh này còn một người anh em khác nhỏ hơn và xa sao mẹ hơn là K2-18c.

Các nhà khoa học dự định sẽ nghiên cứu về nó kỹ hơn khi một kính viễn vọng không gian hiện đại hơn của NASA mang tên James Webb được phóng lên bầu trời vào năm 2021.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

A. Thư (Theo Space, The Guardian, nld)

Có thể bạn quan tâm