Các nhà khoa học vừa tìm thấy một loại khoáng sản chưa từng biết nằm ở độ sâu 170 km bên dưới bề mặt trái đất.
Hạt khoáng sản lạ có kích thước cực nhỏ, nằm dính trên một viên kim cương được tìm thấy ở Nam Phi - Ảnh chụp màn hình Live Science |
Theo chuyên san Live Science, các nhà khoa học đã đào được một viên kim cương ở mỏ Koffiefontein, miệng núi lửa ở miền trung Nam Phi. Trong viên kim cương, họ phát hiện một hạt đá cực nhỏ, loại khoáng sản lạ được cho là nằm ở lớp phủ (Mantle) của trái đất. Lớp Mantle dày 2.900 km và nằm giữa phần vỏ trái đất và lõi ngoài của trái đất, theo chuyên san National Geographic.
Khoáng sản lạ có màu xanh thẫm, đục và được đặt tên là “goldschmidtite” theo tên nhà địa chất học Victor Moritz Goldschmidt. Các nhà khoa học cho biết loại vật chất này có thành phần hóa học riêng biệt so với hầu hết các khoáng sản ở lớp Mantle.
Cụ thể, thành phần cấu tạo chính của goldschmidtite là niobi và kali cùng một phần nhỏ đất hiếm là lantan và xeri. Trong khi đó, hầu hết thành phần của lớp Mantle là sắt và magie, theo bà Nicole Meyer, đồng tác giả nghiên cứu, nghiên cứu sinh đại học Alberta (Canada).
Theo nhận định của các nhà khoa học, áp suất và nhiệt lượng sinh ra từ lớp Mantle đã biến lớp cặn carbon thành kim cương. Kim cương sau đó bọc lấy các khoáng sản ở lớp Mantle và được đẩy lên bề mặt trái đất nhờ núi lửa phun trào.
Bằng cách phân tích thành phần của kim cương, các nhà khoa học có thể tìm thấy được manh mối về những hoạt động hóa học nằm sâu bên dưới phần lõi trái đất. Loại khoáng sản lạ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng hoàng gia Ontario ở thành phố Toronto.
Vi Trân (thanhnien)