Một loài mèo hoang cổ đại hay còn gọi là hổ răng kiếm vừa được tìm thấy, sống ở Bắc Mỹ cách đây 5-9 triệu năm, nặng hơn 272kg và có thể hạ gục con mồi gấp 10 lần kích thước của nó, theo Daily Mail.
Hình ảnh minh họa mèo hoang cổ đại. Ảnh: AFP |
Các nhà nghiên cứu người Mỹ đặt tên cho loài mèo hung dữ này là Machairodus lahayishupup, để tôn vinh người Cayuse - những người sống trên vùng đất mà mẫu vật ban đầu đã được khai quật.
Trong ngôn ngữ của người Cayuse, 'Laháyis Húpup' có nghĩa là mèo hoang cổ đại, còn 'Machairodus' là một giống mèo có răng kiếm khổng lồ được biết đến từ Bắc Mỹ, Châu Phi, lục địa Á-Âu.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, loài mèo mới được xác định đã tồn tại từ sớm trong quá trình tiến hóa của mèo răng kiếm, nhưng sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận điều này.
M.lahayishupup cũng là họ hàng của Smilodon - được cho là loài mèo răng kiếm nổi tiếng nhất - đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước.
Hóa thạch chi trước của loài mèo hoang cổ đại vừa được tìm thấy. Ảnh: Đại học Gonzaga |
Loài mới này được xác định chủ yếu nhờ chi trước khổng lồ của nó - thứ vũ khí mà loài mèo răng kiếm dùng để khuất phục con mồi.
Giáo sư Jonathan Calede của Đại học Bang Ohio và là tác giả của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tin rằng, những con vật này thường xuyên hạ gục những đối thủ có kích thước lớn như bò rừng. Đây là loài mèo lớn nhất vào thời điểm đó".
Hóa thạch chi trước M.lahayishupup lớn nhất mà họ tìm thấy có đường kính hơn 46cm và 4,3cm. Trong khi xương chi trước của sư tử đực trưởng thành hiện đại, trung bình dài khoảng 33cm.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mối liên hệ giữa khối lượng cơ thể và kích thước các chi ở họ nhà mèo hiện đại, để đưa ra ước tính của họ về kích thước cơ thể của M.lahayishupup.
Họ suy đoán về bản chất săn mồi của loài mèo cổ đại bằng cách xem xét kích thước của nó và các loài động vật sống ở khu vực xung quanh vào thời điểm đó - trong số đó có những con lười mặt đất khổng lồ, tê giác và họ hàng của lạc đà khổng lồ được gọi là Hemiauchenia.
Các chuyên gia lưu ý, mẫu hàm duy nhất của M.lahayishupup được biết đến cho đến nay là hàm dưới, do đó, đáng buồn thay, nó không bao gồm răng nanh hình lưỡi kiếm mang tính biểu tượng của loài mèo răng kiếm.
Hộp sọ của một con hổ răng kiếm. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, giáo sư John Orcutt của Đại học Gonzaga và là đồng tác giả của nghiên cứu cho hay: "Chúng tôi khá tự tin rằng đó là một con mèo răng kiếm và nó là một loài mới thuộc chi Machairodus. Vấn đề là hiểu biết của chúng tôi về mối quan hệ giữa những loài mèo răng kiếm này vẫn còn mờ nhạt, đặc biệt là trong quá trình tiến hóa của chúng".
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu chưa có bằng chứng rõ ràng nhất về chính xác có bao nhiêu loài mèo khổng lồ tồn tại trong quá khứ, giáo sư Orcutt giải thích.
Ông thông tin thêm: "Người ta đã biết rằng có những con mèo khổng lồ ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và bây giờ chúng tôi có một con mèo răng kiếm khổng lồ của riêng mình ở Bắc Mỹ trong thời kỳ này.
Việc những con mèo khổng lồ này có quá trình tiến hóa độc lập, lặp đi lặp lại trên mọi lục địa, hay tổ tiên của chúng đã di cư đến tất cả các lục địa, vẫn còn là một câu hỏi lớn của các nhà nghiên cứu".
NGUYỄN HẠNH (LĐO)