Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Phát hiện "nghĩa địa" của những sinh vật đầu tiên trên đất liền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

"Nghĩa địa" vừa được khai quật ở Nam Phi có thể là nơi những sinh vật đầu tiên di chuyển từ đại dương lên mặt đất.

 Thảm vi sinh hóa thạch - bằng chứng sự sống lâu đời nhất trên trái đất - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Thảm vi sinh hóa thạch - bằng chứng sự sống lâu đời nhất trên trái đất - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp



Đây là bằng chứng lâu đời nhất về sự sống trên đất liền mà con người từng khai quật được. Thảm vi sinh này "già" hơn đến nửa tỉ năm tuổi so với những thảm hóa thạch khác cũng từng được khai quật tại Nam Phi vài thập kỷ trước.

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu trầm tích Martin Homann thuộc Viện Nghiên cứu biển châu Âu (Pháp) đã tìm thấy thảm hóa thạch mong manh và quý giá này bên một vách đá thuộc dãy núi Barberton Makhonjwa, miền đông Nam Phi. Nơi đây là một kho tàng khảo cổ và rất có thể là chiếc nôi đầu tiên của tất cả động thực vật trên đất liền.


 

Nhà nghiên cứu đứng đầu Martin Homann (phải) và đồng nghiệp Christoph Heubec đến từ Đại học Freie (Đức) - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nhà nghiên cứu đứng đầu Martin Homann (phải) và đồng nghiệp Christoph Heubec đến từ Đại học Freie (Đức) - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp



Các hóa thạch là một phần của tảng đá có tên Moodies Group, thuộc về một vùng bờ biển cổ xưa nhất thế giới còn tồn tại gần như nguyên vẹn.

Các hóa thạch được bảo quản rất tốt, nằm cùng một lớp sỏi cổ xưa và được trầm tích bao phủ. Điều này cho thấy nơi sinh sống của chúng là đáy một con sông cổ đại – hoàn toàn thuộc về đất liền, chứ không phải vùng bờ biển như bây giờ.

"Đây thực chất là lòng sông lâu đời nhất của trái đất. Và nó chứa đựng sự sống" – nhà địa hóa học Stefan Lalonde cũng đến từ Viện Nghiên cứu biển châu Âu, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Qua các bước phân tích hóa thạch, các nhà nghiên cứu tin rằng thời điểm đó, nhiều nơi khác trên trái đất đã bắt đầu được bao phủ bởi các sinh vật nguyên sơ tương tự.

Vào thời kỳ các sinh vật bé nhỏ này sinh sống (kéo dài từ 4 tỉ đến 2,5 tỉ năm trước), trái đất không có nhiều oxy như bây giờ. Các sinh vật chủ yếu sống dựa vào việc chuyển hóa nitrate để tạo thành năng lượng. Vì vậy, môi trường sống sẽ không quá khắc nghiệt nếu có thể sống trên mặt đất.


 

 Ảnh toàn cảnh khu vực núi tìm ra hóa thạch - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Ảnh toàn cảnh khu vực núi tìm ra hóa thạch - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp



Trước đây, người ta tin rằng sự sống của trái đất bắt đầu dưới lòng đại dương khoảng 3,8 tỉ năm trước. Đến khoảng 3 tỉ năm trước, những sinh vật đầu tiên mới bắt đầu di chuyển lên mặt đất trong hình thái những thảm vi sinh. Tuy nhiên, phát hiện mới này cho thấy sự sống đầu tiên trên các lục địa bắt đầu sớm hơn nhiều.

Công trình vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.

 

A. Thư (Live Science, The Scientist, nld)

Có thể bạn quan tâm