Một lớp trầm tích khác thường màu vàng sáng dưới đáy hồ Zapovednoye được cho là "vật chất vũ trụ", bằng chứng của kẻ tấn công từ không gian gây ra "sự kiện Tunguska" 110 năm trước.
Năm 1908, một thứ gì đó với sức mạnh tương đương 10-20 triệu tấn thuốc nổ TNT đã xé toạc bầu trời Siberia ở Nga, khiến một khoảng rừng có diện tích lên đến 2.150 km2 đã đổ rạp trong tích tắc. Tất cả những gì người dân bản địa năm đó là một cột ánh sáng xanh "rực rỡ như mặt trời" lướt qua bầu trời rạng sáng. Sau đó, tiếng nổ khủng khiếp kèm với một đợt sóng vô hình đã đập vỡ đồng loạt các cửa sổ nhà dân, hất ngã mọi người.
Hồ Zapovednoye, nơi được cho là chứa "vật chất vũ trụ" - ảnh: RGO |
Điều bí ẩn nhất là mọi người đều chỉ cảm nhận được âm thanh và cơn chấn động vô hình, không ai thấy vụ nổ. Cũng ngày hôm đó, các trạm địa chấn khắp châu Âu và châu Á đã ghi nhận các dao động bất thường trong áp xuất khí quyển. Một sự kiện kỳ lạ được cho là có liên quan đó chính là bầu trời đêm ở một số nơi bỗng sáng bừng trong ánh sáng đỏ rực tới vài ngày sau đó. Hoàn toàn không có một hố va chạm nào được tìm thấy.
Để giải đáp bí ẩn 112 năm tuổi này, các nhà khoa học Nga từ Viện Vật lý Hạt nhân Novosibirsk, Viện Địa chất và Khoáng vật học Novosibirsk, Khu bảo tồn Thiên nhiên Tunguska và Viện Sinh lý học Krasnoyarsk đã quyết định đi tìm "bóng ma" của thứ đã gây ra sự kiện Tunguska. Họ tin rằng phải là một thiên thạch nổ ngay trên mặt hồ mới có thể tạo ra những bí ẩn nói trên.
Các nhà khoa học trong cuộc tìm kiếm - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp |
Theo nhà sinh vật học, tiến sĩ Arthur Meidus, phó giám đốc một Khu bảo tồn Thiên nhiên Tunguska, thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã tìm thấy những bằng chứng quý giá đầu tiên: một lớp màu vàng sáng nổi bật trong các trầm tích dưới đáy hồ Zapondnoye.
Thành phần của lớp trầm tích, với chủ yếu là kali, titan, rubdium, yttium, zirconium… tương đồng với những thứ được tìm thấy nơi tàn tích những va chạm thiên thạch khác. Nói cách khác, đó rất có thể chính là thứ vật chất vũ trụ mà thiên thạch gây ra vụ nổ Tunguska đã đem xuống trái đất.
Đó sẽ không phải là lớp trầm tích duy nhất được phân tích. "Bằng cách này, chúng ta sẽ biết những lớp trầm tích nào có thể chứa các hạt có nguồn gốc ngoài trái đất" – bà Meidus khẳng định.
Theo các tác giả, việc vén màn bí ẩn sự kiện Tunguska có thể giúp họ rút ra bài học hữu ích về nguy cơ mà các "cuộc xâm lược" từ vũ trụ mang lại, từ đó có kế hoạch phòng thủ phù hợp.
A. Thư (Theo The Siberian Times, Daily Mail/NLĐO)