(GLO)- Trước thềm Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) Phật lịch 2558-Dương lịch 2014, P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Tâm Tường-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai.
* P.V: Nét mới của Phật đản năm nay tại Gia Lai là gì, thưa Hòa thượng?
- Hòa thượng Thích Tâm Tường: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 diễn ra trong thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa hoàn thành tốt đẹp Đại hội nhiệm kỳ VII, đã mở ra một trang sử mới cho Phật giáo Việt Nam, hứa hẹn những thành tựu mới trong hoạt động Phật sự. Hiện nay, các cấp giáo hội, tăng ni, phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, để Nghị quyết trở thành hiện thực.
Hòa trong không khí Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 tại Cố đô Hoa Lư, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tràng An, chùa Bái Đính, Ninh Bình với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, Đại lễ Phật đản năm nay ở Gia Lai cũng có quy mô lớn toàn diện về mọi mặt. Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tổ chức treo băng rôn chào mừng, xe hoa diễu hành, triển lãm văn hóa Phật giáo, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, biểu diễn văn nghệ mừng Phật đản. Cấp tỉnh sẽ tổ chức lễ đài chính tại chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku). Các huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức lễ tại Ban Trị sự cấp huyện và ở các chùa, tịnh thất, tịnh xá, cùng các hình thức trang trí và sinh hoạt văn hóa-văn nghệ. Tại tư gia phật tử cũng treo cờ Phật giáo và trang trí để mừng Phật đản… Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ về nhiều mặt và đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ. Bên cạnh đó là sự đoàn kết chung sức chung lòng của đồng bào phật tử góp phần làm cho Đại lễ Phật đản sẽ diễn ra thành công tốt đẹp…
* P.V: Nhân Đại lễ Phật đản, Hòa thượng có điều gì muốn nhắn nhủ với toàn thể tăng ni và phật tử?
- Hòa thượng Thích Tâm Tường: Suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Riêng tại Gia Lai, sinh hoạt Phật giáo có đông đảo bà con phật tử, toàn tỉnh hiện có hơn 80 ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá và hơn 400 tăng ni đang tu học. Sau 39 năm giải phóng, trên địa bàn đã có gần 50 ngôi chùa, tịnh xá được trùng tu, tái thiết hoặc xây dựng mới. Tăng ni và phật tử toàn tỉnh rất phấn khởi vì hoạt động tôn giáo nói chung, cũng như Phật giáo nói riêng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của lãnh đạo địa phương. Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014, thay mặt Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, tôi xin gửi đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, cùng các cơ quan, ban ngành lời cảm tạ chân thành của toàn thể tăng ni và phật tử.
Ảnh: Lương Thanh |
Đồng thời, Ban Trị sự mong rằng toàn thể tăng ni và phật tử tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa và đạo đức, truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam, làm tròn nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội theo đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, góp phần cùng với đồng bào các tôn giáo, nhân dân các dân tộc toàn tỉnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và Giáo hội ngày càng vững mạnh. Tiếp tục phát huy bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật, các chùa, tịnh thất, tịnh xá, các vị tăng ni phải thường xuyên động viên bà con phật tử tiếp tục phát huy đạo đức tôn giáo trong đời sống, gương mẫu giáo dục con cái trưởng thành, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và tôn giáo, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, tích cực với công tác từ thiện xã hội, góp phần mang lại lợi ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Đó là những việc làm thiết thực để cúng dường Chư Phật.
Kính chúc toàn thể quý vị và tăng ni, phật tử một mùa Phật đản hoan hỷ, thân tâm thường an lạc!
* P.V: Xin cảm ơn Hòa thượng!
Thanh Nhật (thực hiện)