Thời sự - Bình luận

Phát huy truyền thống "Tâm-Tài-Trí-Tín" của doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đất nước đang trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn vì tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, khí chất và truyền thống “Tâm-Tài-Trí-Tín” của đội ngũ doanh nhân Việt luôn tỏa sáng, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước và cộng đồng.

76 năm trước, ngày 13-10-1945, cảm kích trước tấm lòng vì nước vì dân của giới công thương Việt Nam, khi đã ủng hộ Quỹ Độc lập hàng ngàn lượng vàng, giúp Chính phủ có tiền kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương và gặp gỡ đại diện các nhà tư sản tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Người khẳng định: “Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.

2 doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
2 doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Hà Duy


Từ một đội ngũ non trẻ, bước ra trong bối cảnh một nền kinh tế kiệt quệ vì chiến tranh và bóc lột thuộc địa, đến nay, cả nước đã có hơn 800 ngàn doanh nghiệp với đầy đủ các thành phần. Không chỉ làm ra của cải vật chất cho mình, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách quốc gia và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc, khi luôn chủ công trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chung tay cùng Chính phủ thực hiện nhiều chính sách lớn, góp phần ổn định an sinh, phát triển đất nước. Phẩm chất ấy thể hiện rất rõ trong gần 2 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã chung tay cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và nền kinh tế.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giảm giá điện, nước, cước viễn thông cho người dân vùng dịch; các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin, tặng máy thở, nghiên cứu sản xuất trang-thiết bị y tế; sáng tạo ra những cây “ATM gạo”, “ATM oxy”, “siêu thị 0 đồng”… giúp người nghèo. Chỉ sau một đêm phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, 1 triệu máy tính trị giá 2.500 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp tài trợ, giúp học sinh nghèo “dừng đến trường không dừng việc học”. Ở đâu, lúc nào người dân gặp khó khăn, ở đó có sự giúp đỡ của doanh nhân.

Ngay cả khi dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp và những trung tâm kinh tế lớn, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, doanh nhân thì chính họ vẫn vững chí, bền lòng, cùng công nhân kiên trì vượt qua bằng giải pháp “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa.

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các biện pháp chống dịch từng bước được nới lỏng, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay nhanh chóng vào tổ chức tái sản xuất, cùng Chính phủ khôi phục nền kinh tế, kỳ vọng khắc phục những tổn thất nặng nề trong quý III-2021, khi kinh tế tăng trưởng âm tới 6,17%!

Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước. Tiếp xúc cử tri tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương đội ngũ doanh nhân đoàn kết, tương trợ, nắm tay nhau vượt qua thời khắc khó khăn, nhất là trong 35 năm đổi mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong thư chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là sự chung tay cùng Chính phủ chống dịch trong gần 2 năm qua. Thủ tướng khẳng định: “Non cao cũng có đường trèo. Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi” và tin tưởng với “sự hội tụ của trí tuệ, tài năng, tầm nhìn, bản lĩnh, lòng nhân ái và tinh thần yêu nước, doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững”.

Với hơn 7.600 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đội ngũ doanh nhân Gia Lai đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh, khi khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, phát triển mạnh các ngành trồng-chế biến-xuất khẩu nông-lâm sản, du lịch-dịch vụ… Cuộc gặp gỡ gần 300 doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh ngày 10-10 là dịp để lãnh đạo tỉnh ghi nhận các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, có biện pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau khi dịch Covid-19 đi qua.

Càng khó khăn, càng phải vững vàng. Với Tâm-Tài-Trí-Đức và bản lĩnh của mỗi doanh nhân, cộng với sự hỗ trợ có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta có quyền tin tưởng, mọi khó khăn rồi cũng sẽ khép lại, cánh cửa khác đang được mở ra, để không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua, mà còn là cơ hội lớn để đội ngũ doanh nhân trong tỉnh bứt phá cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm