Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển cà phê đặc sản: Hướng đi triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê. Nhưng do chất lượng cà phê của nước ta còn thấp nên giá trị thu về chưa cao. Vì vậy, việc phát triển cà phê đặc sản đang được coi là hướng đi triển vọng.
Cà phê đặc sản là khái niệm được nữ chuyên gia Erna Knutsen lần đầu tiên nhắc tới vào năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất, đạt từ 80 đến 100 điểm theo thang điểm của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI), đặc biệt là ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, cà phê đặc sản còn được đánh giá chất lượng dựa vào các tiêu chí như cách thức chăm bón, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm. Hiện có 3 cách chế biến cà phê đặc sản gồm: phương pháp chế biến mật ong, chế biến ướt và chế biến khô.
Chăm sóc cà phê theo hướng VietGap để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Ảnh: H.D
Theo ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku), cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao chất lượng ngành cà phê. Làm cà phê đặc sản phải hái quả chín để đảm bảo chất lượng thay vì thu hái cà phê xanh tràn lan như lâu nay. Chính vì phải đảm bảo những tiêu chí nghiêm ngặt như vậy nên thị trường cà phê đặc sản hiện chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Gia Lai nói riêng có thể vươn ra thị trường thế giới. Các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia... hiện cũng đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản.
Tại Gia Lai, lâu nay, người dân vẫn chủ yếu trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường nên dù đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thời gian gần đây, qua tìm hiểu từ những kênh thông tin khác nhau, nhiều người dân đã bắt đầu tiếp cận với phương pháp chế biến cà phê đặc sản để tăng giá trị sản phẩm. Anh Nguyễn Tiến Thành (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) là một trong số đó. Anh Thành cho biết, phương pháp chế biến này không phải là trộn mật ong vào cà phê mà quá trình thu hái phải chọn những hạt cà phê chín, có hàm lượng đường ở mức cao nhất. Sau khi thu hái và rửa sạch, cà phê sẽ được đưa vào máy xát vỏ. Bằng loại máy chuyên dụng, vỏ sẽ được tách ra nhưng chất nhầy vẫn dính hoàn toàn trên nhân cà phê. Lúc này, nhân cà phê sẽ được ủ 8-12 tiếng đồng hồ để lên men rồi đưa lên giàn phơi nắng.
Để chế biến cà phê theo phương pháp này, anh Thành đầu tư khoảng 25 triệu đồng mua máy xay và làm giàn phơi. Mỗi ký cà phê chế biến theo phương pháp mật ong có giá bán cao hơn giá cà phê thông thường khoảng 20.000 đồng. Với 3 ha cà phê, hàng năm, gia đình anh thu hoạch được khoảng 10 tấn cà phê nhân, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu của các quán cà phê trên địa bàn huyện Chư Prông và TP. Pleiku. “Sau khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm cà phê chế biến bằng phương pháp mật ong, tôi sẽ liên kết với bà con trong thôn để đảm bảo nguồn nguyên liệu và tiến tới mở rộng thị trường”-anh Thành cho biết thêm.
Với hơn 600 ngàn ha, cà phê được đưa vào nhóm hàng hóa chủ lực quốc gia. Chính phủ đã thành lập Ban hỗ trợ cà phê quốc gia, còn Bộ Nông nghiệp và PTNT có Ban Chỉ đạo tái canh cà phê quốc gia. Tất cả đều hướng tới việc để cà phê Việt Nam được công nhận về cả số lượng lẫn chất lượng trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, theo ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, năm 2018, Việt Nam đạt huy chương bạc cho lần thử nếm chất lượng cà phê, nghĩa là nước ta đủ điều kiện về chất lượng để tham gia thị trường cà phê đặc sản.
Với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, phát triển cà phê đặc sản là một hướng mở giúp người trồng cà phê có thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, Gia Lai là địa phương đứng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta, người dân địa phương cũng đang dần thay đổi tập quán trồng và chăm sóc bằng cách đưa những giống có năng suất, chất lượng cao vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển cà phê đặc sản. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần xây dựng chương trình phát triển cà phê đặc sản với lộ trình cụ thể.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm