Hôm nay (22.10), chính thức khai mạc Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020. Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 với chủ đề “Đô thị thông minh - Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Diễn đàn là sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, nhằm chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị trong nước với mạng lưới đô thị trong khu vực.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Nghị quyết 52 là cuộc cách mạng về thể chế
Ngày 27.9.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (NQ) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan chủ trì tham gia Đề án.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Nghị quyết 52 về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế. Với việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây đã tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, thậm chí có thể dùng từ “bùng nổ”. Từ đây, khuôn khổ thể chế bấy lâu nay hay chúng ta gọi là truyền thống không còn phù hợp nữa và nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế, đây chính là bản chất cách mạng của cuộc cách mạng lần thứ 4.
Một trong những nội dung quan trọng trong NQ52 là phát triển đô thị thông minh với mục tiêu là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đô thị thông minh sẽ là chiến lược
Theo ông Phạm Hồng Hà - Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, dù đạt được nhiều kết quả, song quá trình đô thị hoá của nước ta còn nhiều bất cập. Đô thị thông minh sẽ là chiến lược có thể giải quyết được những bất cập ấy.
Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam với 3 trụ cột chính là quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
“Trong thời gian tới phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó có những vấn đề lớn gồm: Xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh; Xây dựng những công cụ quản lý, những định chế ví dụ khung hướng dẫn tiêu chí và đánh giá đô thị thông minh của các đô thị; Xây dựng các quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch về xây dựng công trình thông minh trong đô thị.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ xây dựng những cơ chế phối hợp giữa các cấp các ngành, giữa Trung ương và địa phương thế nào để đảm bảo chúng ta điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí phân tán tài nguyên và các nguồn lực.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ từ nay đến năm 2025 chúng ta sẽ hỗ trợ, tập trung các nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế và trên cơ sở đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng phát triển toàn diện...
THÙY DUNG (LĐO)