Thời sự - Bình luận

Phát triển du lịch từ các danh hiệu, giải thưởng quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vừa qua, ngành du lịch đón nhiều tin vui khi nhiều danh hiệu, giải thưởng thế giới "gọi tên" Việt Nam.

Vừa mừng vừa lo, đó là lo làm sao để đưa các danh hiệu, giải thưởng này thành nguồn lực phát triển đất nước.

Được ví như giải "Oscar du lịch", Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương đã đề cử Việt Nam ở nhiều hạng mục lớn.

Việt Nam nhận được nhiều đề cử tại giải thưởng du lịch danh giá World Travel Awards

Việt Nam nhận được nhiều đề cử tại giải thưởng du lịch danh giá World Travel Awards

Ở tầm quốc gia, Việt Nam vinh dự được đề cử tại nhiều hạng mục quan trọng bao gồm: Điểm đến du lịch biển hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến di sản hàng đầu châu Á, điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, điểm đến hàng đầu châu Á dành cho giới trẻ.

Đáng chú ý, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam được đề cử cho hạng mục cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Ở cấp độ địa phương, Sở Du lịch TP Hà Nội và TPHCM nằm trong danh sách Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. Sở Du lịch Quảng Nam được đề cử danh hiệu cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á.

Một tin vui nữa là Cửu đỉnh - "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" của Việt Nam chính thức trở thành "ký ức thế giới" khi được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Hay vừa qua, Danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vừa được trao cho TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Đây là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

Niềm vui đó không phải đến một cách ngẫu nhiên, tự nhiên có. Chúng ta đã rất nỗ lực gìn giữ, phát huy các di sản, cả tự nhiên và văn hóa, cả vật thể và phi vật thể. Thời gian qua, hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Các di sản, các thắng cảnh được ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Các danh hiệu, giải thưởng danh giá mang đặc trưng quốc gia, nhưng cũng được xem là tài sản của nhân loại. Nó đều được các nước coi là nguồn lực, tiềm lực thu hút du lịch, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Có thể nói, mỗi danh hiệu, giải thưởng như một viên ngọc quý. Chắc chắn cần phải thêm nhiều thời gian để các viên ngọc tiếp tục tỏa sáng năm châu. Việc trao nhận, tôn vinh mới chỉ là bước quan trọng có tính khai mở, làm tiền đề, nền tảng.

"Cầm vàng chỉ sợ vàng rơi", được trao giải đã khó, việc phát huy giá trị giải thưởng còn khó hơn nhiều. Đây là sự trăn trở rất lớn, làm sao không để tuột mất cơ hội mà danh hiệu, giải thưởng mang lại?. Việc tạo hiệu quả quy ra tiền và các giá trị nguồn lực tương ứng để phục vụ cho phát triển khó hơn bội phần. Phát triển kinh tế có lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức, như Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo. Càng áp lực càng nỗ lực, càng khó khăn càng thông minh. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Vì vậy, nhận thức về phát huy giá trị các di sản, gắn với bảo tồn, phát triển bền vững phải thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và mỗi người dân, nhất là nhân dân ở các vùng có di sản được vinh danh.

Phải quyết tâm "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phục vụ phát triển theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm