Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa vùng Bắc Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp hiện đại (còn gọi là nông nghiệp công nghiệp hóa) là nền sản xuất dựa trên tri thức và các thành tựu mới của khoa học. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), khái niệm 'nông nghiệp công nghiệp hóa' khá mới mẻ nhưng nội hàm không mới, nhiều mô hình đã được triển khai ở một số địa phương. Vùng Bắc Trung Bộ có nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển mô hình này.
 
Thu hoạch ngô bằng xe cơ giới cho Nhà máy sữa TH Nghệ An. Ảnh: THÀNH CHÂU
Vùng Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nhờ lợi thế về đất đai, khí hậu và áp dụng công nghệ mới, thời gian qua, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trong vùng đạt được một số kết quả. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: mía đường ở Thanh Hóa, chè ở Nghệ An, lạc ở Nghệ An, Hà Tĩnh… KH và CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất nhiều giống mới, nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến ra đời, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình phát triển cây chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Group ở Nghệ An, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa. Một số mô hình liên kết đã được áp dụng như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp cổ phần… Tuy nhiên nhìn chung, năng suất cây trồng thấp so với bình quân cả nước, trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân ở một số nơi còn thấp.
Chăn nuôi là ngành quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ. Cả vùng hiện có 952 trang trại chăn nuôi quy mô tập trung, trong đó tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa với 498 trang trại. Ngoài phát triển đàn bò thịt, chăn nuôi bò sữa tập trung cũng được chú trọng và đầu tư phát triển. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng, bước đầu cho thấy hiệu quả cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống như: Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn đã giảm 80% lượng nước sử dụng, giảm 60% công lao động, hạn chế nguồn bệnh. Nhiều giống cỏ mới có năng suất, chất lượng được trồng làm thức ăn cho gia súc, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của vùng cũng chưa phát huy được tiềm năng do ngành chế biến chưa phát triển. Việc ứng dụng công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở một vài cụm chăn nuôi tập trung. Toàn vùng hiện nay chỉ có bốn cơ sở chế biến thịt gia súc giết mổ quy mô 4.000 tấn/năm, còn lại là cơ sở nhỏ lẻ, trình độ công nghệ hạn chế. Chất lượng sản phẩm của ngành chăn nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nội địa.
Theo Bộ KH và CN, với những mô hình, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như nêu trên sẽ là những hạt nhân để xây dựng, lan tỏa nền nông nghiệp công nghệ cao tại vùng Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, với diện tích đất rộng lớn, phì nhiêu, nhiều sông suối, nước sạch dồi dào, không khí trong lành là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa trong vùng. Chỉ riêng tổng diện tích và số dân hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đúng bằng I-xra-en, trong khi vượt trội hơn hẳn I-xra-en về điều kiện khí hậu, đất đai màu mỡ. Giao thông có thể kết nối vùng miền, xuất khẩu thuận lợi do có đường Hồ Chí Minh và các cảng biển lớn. Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Phát triển KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) cho biết, định hướng phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ là tiến tới xây dựng các tổ hợp nông nghiệp theo hướng công nghiệp, công nghệ cao; xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi và theo chức năng. Đồng thời, hình thành các thành phố và cụm dân cư nông nghiệp, văn minh, hiện đại; hình thành các trung tâm công nghệ sinh học sản xuất và dịch vụ giống; trung tâm chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ; hình thành các doanh nghiệp KH và CN trong lĩnh vực nông nghiệp…
Một số nhà khoa học cho rằng, để phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa trước hết phải xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của vùng để phát triển và xác định các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển. Vùng Bắc Trung Bộ có lợi thế phát triển cây ăn quả chất lượng cao, cây có múi không hạt, một số loại rau, củ phù hợp với vùng. Sản phẩm chăn nuôi tập trung hướng đến đối tượng vật nuôi có thế mạnh, có khả năng mở rộng địa bàn; chú trọng phát triển một số loài dược liệu quý dưới tán rừng; dược liệu có nguồn gien đặc trưng của vùng. Trong các giải pháp, cần quan tâm giải pháp KH và CN. Chẳng hạn, lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH và CN nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Xác định một số nhiệm vụ, đề án, dự án về KH và CN cần ưu tiên triển khai.
Bộ KH và CN cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng Đề án tổng thể về quy hoạch, phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa vùng Bắc Trung Bộ. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ có định hướng đầu tư, phát triển các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời, có được sự hỗ trợ cần thiết về nguồn vốn, công nghệ để nông nghiệp bứt phá.
Nguyễn Hoài (Nhân Dân)

Có thể bạn quan tâm