Phía trước là tương lai tươi sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Nguyễn Huy Bình. Ảnh: Thúy Trinh
Từng thụ án phạt tù về tội trộm cắp tài sản, bằng quyết tâm và đôi tay khéo léo, anh Nguyễn Huy Bình, ở tổ 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku (Gia Lai) đã trở thành lao động giỏi, có cuộc sống gia đình ổn định và tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Chúng tôi đến nhà anh Bình vào một ngày đầu tháng 8-2011. Nhìn người đàn ông tươi cười dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà hai tầng đang được xây dựng khang trang, ít ai biết rằng anh từng có một quá khứ lỗi lầm.
Sinh năm 1958 trên mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh, sau thời gian nhập ngũ, năm 1979, anh Bình về quê học nghề thợ mộc. Vốn cần cù, chịu khó, anh sắm được chiếc xe máy rồi chuyển qua nghề xe ôm. Những tưởng kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện nhưng không ngờ tai vạ lại từ đó mà ra.
Năm 1996, một lần lên Bãi Vọt (nay là thị xã Hồng Lĩnh) chạy xe, Bình quen một đối tượng tên Khoa ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thấy Bình có xe máy, Khoa rủ rê Bình chở y đi trộm cắp tài sản. Ban đầu, anh cương quyết từ chối nhưng nghe Khoa rỉ tai hết lần này đến lần khác, dần dần anh bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Tính đến thời điểm bị bắt (tháng 2-1998), cả hai thực hiện trót lọt gần 10 vụ trộm cắp tài sản (chủ yếu là ti vi, xe máy) trên địa bàn huyện Can Lộc và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ra tòa, Bình bị tuyên phạt 10 năm tù…
 
Nhờ học tập, cải tạo tốt, sau 7 năm chấp hành án, năm 2005, Bình được đặc xá trước thời hạn và quyết định vào Gia Lai làm lại cuộc đời. Ban đầu, anh cũng đi làm thuê kiếm sống. Biết anh có nghề mộc khá vững, ông Lê Văn Hiến- chủ xưởng mộc dân dụng ở cùng xóm thuê anh gia công đồ gỗ rồi được ông Hiến mua máy móc, thiết bị, giúp đỡ anh làm ăn riêng. Ban đầu, anh nhận các mối hàng do ông Hiến giới thiệu, dần dà, thấy sản phẩm anh làm ra đẹp và tinh xảo, khách đến tìm đặt hàng ngày càng đông.
Hiện nay, thu nhập từ nghề mộc của gia đình anh trên 100 triệu đồng một năm. Khi được hỏi tại sao sau thời gian cải tạo không lập nghiệp ở quê hương, anh giãi bày: “Sau khi ra tù, tôi vẫn mang mặc cảm, tự ti với xóm giềng. Hơn nữa, bạn bè xấu rủ rê, tôi sợ mình không đủ can đảm để từ bỏ con đường cũ nên phải vượt hàng ngàn cây số để vào Gia Lai làm ăn. Từ đó đến nay, tôi luôn cố gắng lao động để ổn định cuộc sống”.
Trong suốt quá trình hoàn lương, bên cạnh anh Bình luôn có người vợ tảo tần, chịu thương, chịu khó. Chồng đi tù, một mình chị Nga lặn lội vào Gia Lai làm thuê nuôi 3 đứa con ăn học. Với bản tính nhanh nhẹn, siêng năng, năm 2000, chị tích góp mua đất cất một căn nhà nhỏ rồi đưa con vào đây học tập, đợi chồng ra tù vào Gia Lai cùng nhau làm ăn, sinh sống. Hiện tại, hai cô con gái của vợ chồng anh đều đã có gia đình, có nghề nghiệp ổn định ở Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Còn người con trai út theo cha làm nghề thợ mộc. Dù bận rộn mưu sinh bằng nghề buôn bán phế liệu, chị Nga vẫn tranh thủ thời gian tham gia vào các phong trào, công tác của địa phương như làm thành viên Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân của phường.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Gia Lai, trong số các đối tượng được đặc xá, hết hạn tù, có 44 trường hợp không tái phạm nhưng trường hợp có kinh tế khá giả như anh Bình không nhiều. Họ, vì nhiều lý do khác nhau đã từng sa chân vào con đường phạm pháp. Nhưng ẩn sâu bên trong là khát khao vươn lên làm lại cuộc đời. Họ rất cần sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các ngành, các cấp và chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sự động viên, khích lệ về tinh thần, giúp đỡ về vật chất, tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống là động lực lớn, có ý nghĩa thiết thực, giúp họ có điều kiện thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.
Thúy Trinh
 

Có thể bạn quan tâm