Thời sự - Sự kiện

Phiên bế mạc kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 36 nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 10-7, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào phiên bế mạc với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần nhất trí cao, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 36 nghị quyết quan trọng.

Ông Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 19. Ảnh: Đ.T
Ông Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 19. Ảnh: Đ.T

Chất vấn công tác quản lý, bảo vệ rừng

Phiên chất vấn sáng nay diễn ra khá sôi nổi và mang tính xây dựng cao. Các đại biểu đã tập trung chất vấn về những vấn đề bức xúc trong xã hội, được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Rah Lan Song Linh-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Krông Pa) đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa về trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu ngành khi thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại lớn về trữ lượng gỗ cũng như việc xâm lấn đất rừng. Đại biểu cũng đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra những giải pháp cụ thể để kéo giảm tình trạng này trong thời gian tới.

Đại biểu Rah Lan Song Linh-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Krông Pa) chất vấn về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.T

Đại biểu Rah Lan Song Linh-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Krông Pa) chất vấn về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.T

Về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa lý giải: Năm 2021, tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021.

Theo đó, diện tích rừng tự nhiên giảm gần 65 ngàn ha so với trước đây, gồm: trên 130 ha giảm do vi phạm Luật Lâm nghiệp; hơn 93 ha giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; hơn 8.881 ha giảm được phát hiện theo Kết luận của Thanh tra tỉnh qua đợt thanh tra từ năm 2016-2021 tại các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp; trên 5.154 ha giảm khi rà soát do sai sót, nay chuyển thành rừng trồng và cây trồng chưa thành rừng; hơn 10 ngàn ha giảm do cập nhật lại hiện trạng rà soát, đánh giá đất trống có cây gỗ tái sinh; gần 40.589 ha giảm do dữ liệu đầu vào sử dụng kết quả kiểm kê rừng năm 2014 chưa chính xác.

“Từ năm 2021-2023, diện tích đất có rừng tăng 5.677,7 ha do công tác trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thành rừng. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 635.109 ha rừng”-ông Nghĩa nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Đề cập đến các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở sẽ tiếp tục theo dõi việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các công ty lâm nghiệp đã được đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất và đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông-lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, kiểm kê rừng. Đặc biệt, Sở tiếp tục tuyển đủ viên chức quản lý bảo vệ rừng, kiện toàn lãnh đạo, cán bộ để nâng cao năng lực chủ rừng.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành hết sức quan tâm đối với những nội dung mà đại biểu ý kiến; tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Sở Nông nghiệp và PTNT cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng; tích cực triển khai những giải pháp trồng rừng nhằm nâng độ che phủ rừng của tỉnh vì đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh trong thời gian tới. Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, ngành TN-MT và các địa phương nơi có dự án chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định. Khẳng định lĩnh vực Văn hoá-Thể thao và Du lịch là một lợi thế của Gia Lai trong sự phát triển chung, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành cần phát huy giá trị bản sắc văn hoá, khơi dậy tiềm năng thể thao, đồng thời tuyên truyền, quảng bá rộng rãi du lịch của tỉnh gắn với giáo dục truyền thống lịch sử.

“Nóng” vấn đề ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch

Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Rah Lan Song Linh cũng dành sự quan tâm đối với vấn đề ô nhiễm môi trường về chăn nuôi, sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh. Điển hình như vụ việc ô nhiễm từ hộ chăn nuôi của gia đình ông Trịnh Xuân Thường tại xã Hbông (huyện Chư Sê) và Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh (thuộc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-chi nhánh Gia Lai) tại Cụm công nghiệp xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa)…

“Theo quy định, các dự án chăn nuôi trước khi xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Vậy sau khi phê duyệt, ngành Tài nguyên và Môi trường có đi kiểm tra giám sát hay không?”-đại biểu Linh nêu câu hỏi.

Trả lời nội dung chất vấn này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Minh Trung thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 70 dự án trang trại chăn nuôi heo đã được cấp chủ trương đầu tư (33 dự án đã đi vào hoạt động, 37 dự án đang triển khai xây dựng). Trong đó, 42 dự án UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM, 28 dự án Bộ TN-MT phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM (15 dự án đi vào hoạt động đã được cấp giấy phép môi trường).

Giám đốc Sở TN-MT Phạm Minh Trung trả lời chất vấn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở TN-MT Phạm Minh Trung trả lời chất vấn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Theo quy định, các dự án chăn nuôi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM trước khi đi vào vận hành chính thức phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường tại UBND cấp xã.

Ông Trung cũng thừa nhận thực trạng, thời gian qua, một số chủ dự án chạy theo lợi nhuận nên đã đưa dự án đi vào vận hành khi trang trại chưa xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường tại UBND cấp xã; khi chăn nuôi, vận hành không đúng quy trình xử lý chất thải nên phát sinh mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

“Sở TN-MT đã kiểm tra, xử lý 9 trang trại quy mô lớn chưa được cấp giấy phép môi trường nhưng đã đi vào chăn nuôi với mức phạt 320 triệu đồng/dự án; 2 cơ sở chưa đăng ký môi trường nhưng đã chăn nuôi với mức phạt 25 triệu đồng/cơ sở và yêu cầu các cơ sở khắc phục sai phạm”-Giám đốc Sở TN-MT thông tin.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường đối với nhà máy phân vi sinh, Giám đốc Sở TN-MT cũng cho hay đã đề nghị UBND thị xã Ayun Pa kiểm tra, xử lý. Đến nay, cơ bản nhà máy đã khắc phục, mùi hôi đã giảm. Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp với UBND thị xã để tăng cường kiểm tra hoạt động của nhà máy này, kịp thời xử lý vi phạm nếu có.

Đại biểu Đinh Ly An-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại TP. Pleiku) chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Ảnh: Đ.T

Đại biểu Đinh Ly An-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại TP. Pleiku) chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Ảnh: Đ.T

Sau thời gian “đóng băng”, ngành Du lịch của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn cho dù lượng khách đã tăng trở lại. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đinh Ly An-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại TP. Pleiku) đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm rõ nguyên nhân cùng những tồn tại, hạn chế; đồng thời, đưa ra những giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy nền kinh tế du lịch của tỉnh phát triển.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung khẳng định vấn đề mà đại biểu Đinh Ly An đề cập cũng chính là vấn đề được lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm. Thông tin tổng quan về tình hình du lịch của tỉnh hiện nay, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho hay: Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng gần như “tê liệt”. Năm 2022, hoạt động du lịch của tỉnh đã bắt đầu phục hồi từ quý II, thu hút đông đảo lượng khách nội địa đến tỉnh, doanh thu tăng dần. Bình quân giai đoạn 2022-2024, lượt khách tăng bình quân 17,5%/năm (chủ yếu là khách nội địa), doanh thu tăng 18,1%/năm.

“Tuy du lịch tỉnh nhà đã có những tín hiệu tích cực, song vẫn còn tồn tại, hạn chế như: kết cấu hạ tầng giao thông đến các khu, điểm tham quan du lịch chưa thuận tiện; các điểm du lịch thiếu dịch vụ bổ sung; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành còn thiếu và yếu; kinh tế đêm chưa phát triển; hầu hết các khu, điểm du lịch đề ra chưa được tiến hành quy hoạch chi tiết hoặc lập đề án phát triển du lịch cụ thể và chưa gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…”-ông Nhung nhìn nhận.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung nêu các giải pháp phát triển du lịch. Ảnh: Đ.T
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung nêu các giải pháp phát triển du lịch. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đưa ra một số giải pháp trong thời gian đến về chính sách; đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch… nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Thông qua 36 nghị quyết

Tại phiên làm việc cuối cùng, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 36 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện. Đây cũng chính là hành lang pháp lý để việc thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII. Ảnh: Đ.T
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII. Ảnh: Đ.T

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: Với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Điểm lại những kết quả quan trọng đã đạt được tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh; đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung trình kỳ họp của các cơ quan liên quan.

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp, khả thi, quyết tâm, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc, tạo đột phá trong lãnh đạo, quản lý, điều hành nhằm đạt kết quả cao trong thực hiện các chỉ tiêu thời gian đến.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII. Ảnh: Đ.T

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay các nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục rà soát các nội dung cấp bách chưa trình tại kỳ họp này, hoàn chỉnh hồ sơ để trình tại kỳ họp gần nhất, đặc biệt là các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh khi triển khai thực hiện các luật đã được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7 và từ ngày 1-8-2024.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh ghi nhận và đề nghị UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết đã trả lời chất vấn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa sự mong đợi của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

“Sau kỳ họp này, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh khẩn trương báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri; kịp thời động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm