Thời sự - Bình luận

Phiên chất vấn thẳng thắn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phiên chất vấn của Quốc hội với các "tư lệnh" ngành và Chính phủ kéo dài 2 ngày rưỡi đã kết thúc vào chiều 9-6.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể - thành viên Chính phủ thứ 4 tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp này - nhận được nhiều câu hỏi nhất, cho thấy lĩnh vực ông phụ trách nhận được sự quan tâm rất lớn từ cử tri. Hàng loạt câu hỏi của các đại biểu dành cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xoay quanh các vấn đề: triển khai thu phí không dừng ở các trạm BOT; xử lý xe quá tải; phân bổ cao tốc không đồng đều giữa các vùng miền; các dự án giao thông trọng điểm tạo hành lang liên kết vùng... Giải trình với đại biểu Quốc hội, người đứng đầu ngành giao thông vận tải thể hiện nắm vững lĩnh vực phụ trách và cơ bản làm hài lòng đại biểu.

Tương tự, các thành viên Chính phủ khác tham gia trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng đều có phần giải trình thẳng thắn, sâu sát với tính tương tác cao. Ngoài các nội dung được chuẩn bị sẵn, những câu hỏi, tranh luận bất ngờ tại nghị trường cũng được các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thỏa đáng, đáp ứng được mong muốn của đại biểu, cử tri.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội thực chất là hoạt động tương tác giữa đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ, giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng hoạt động chất vấn cần tiếp tục được cải tiến nhằm hướng tới chất lượng tốt nhất.

Thứ nhất, đại biểu Quốc hội và cử tri mong muốn tổng thời lượng kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn kéo dài hơn bởi có rất nhiều vấn đề "nóng", vấn đề dư luận quan tâm cần được Chính phủ và các thành viên Chính phủ giải đáp. Theo đó, nên dành ít nhất 3 ngày thay vì chỉ 2 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn.

Thứ hai, về thời gian đặt câu hỏi dành cho các đại biểu Quốc hội là 1 phút, tôi cho rằng chưa đủ bởi có những câu hỏi có thể nêu ra ngắn gọn nhưng cũng có những vấn đề cần đặt trong bối cảnh hay nêu dẫn chứng cụ thể. Trong khi đó, phần tranh luận của đại biểu kéo dài tới 2 phút là không cần thiết trong diễn tiến chung của một phiên chất vấn. Các đại biểu Quốc hội chia sẻ với mong muốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc khống chế thời gian để nhiều đại biểu có thể đặt được câu hỏi, song chúng tôi vẫn mong muốn thời lượng đặt câu hỏi có thể kéo dài lên 1,5 phút.

Ngoài ra, với phần chất vấn dành cho lãnh đạo Chính phủ, tôi xin góp ý các đại biểu tập trung đặt câu hỏi đúng tầm, phù hợp, thay vì đưa ra những câu hỏi chỉ ở tầm sở - ngành, tổng cục... gây lãng phí thời gian và khó có câu trả lời thỏa mãn.

Chất vấn luôn là nội dung được mong chờ và quan tâm nhất mỗi kỳ họp Quốc hội. Tại đây, sự tương tác trực tiếp sẽ giúp giải đáp, làm sáng tỏ vấn đề, từ đó nhiều tồn tại, hạn chế được mổ xẻ và tìm được hướng ra. Để hoạt động chất vấn tại các kỳ họp sau tiếp tục phát huy hiệu quả, đại biểu Quốc hội cần tập trung nghiên cứu, đặt vấn đề thỏa đáng, trúng và sát sườn. Về phía Chính phủ và các thành viên, cử tri mong chờ phần giải trình thẳng thắn và thái độ cầu thị.

Phương Nhung ghi
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm