(GLO)- Trong văn hóa Việt, chuyện cưới hỏi luôn được coi trọng bậc nhất trong đời sống. Cùng với quá trình phát triển, các tục lệ cưới hỏi được gia giảm, pha trộn giữa truyền thống với hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng trong những năm gần đây, tục “ăn xóm” trước đám cưới xuất hiện tại một vài địa phương ở vùng nông thôn của tỉnh Gia Lai khiến người ta phải nghiêm túc suy nghĩ: Nên duy trì hay bãi bỏ tục “ăn xóm”?
Nên tổ chức cưới hỏi giản dị nhưng thắm đượm nghĩa tình (ảnh minh họa). |
Tục “ăn xóm” được lấy ý tưởng từ bữa cơm thân mật trước ngày cưới của gia đình cô dâu, chú rể. Nếu bữa cơm thân mật là buổi tối để cả gia đình cô dâu, chú rể quây quần, tâm sự, rồi dặn dò của cha mẹ, anh em, thể hiện tình cảm gắn kết nghĩa tình của mỗi gia đình Việt, thì “ăn xóm” là sự biến tướng của bữa cơm thân mật. Tối trước hôm diễn ra lễ cưới, thay vì làm một bữa cơm ấm áp trong gia đình, người ta tổ chức tiệc linh đình như đám cưới, nhưng với quy mô nhỏ hơn một chút. Nhà có đám sẽ mổ heo, mổ bò làm cả chục đến vài chục mâm cỗ mời anh em xa gần, làng trên xóm dưới tới dự. Số lượng mâm cỗ khi “ăn xóm” ngày càng tăng cao theo mức độ sĩ diện của gia chủ: Nhà hàng xóm chục mâm thì mình cũng phải hơn một tí. Vô tình, vì sĩ diện nhất thời mà gia chủ lại phải đối mặt với những khó khăn tài chính sau cưới. Niềm vui chưa thỏa mà đã bời bời lo âu!
“Ăn xóm” không chỉ gây tốn kém cho người mời mà còn gây phiền hà đối với người được mời. Người dân quê thì hay ngại, đã được mời ăn 2 bữa thì tiền mừng cưới phải “nặng đô” hơn bình thường chỉ ăn trong tiệc chính. Mà “nặng đô” thì lại “kẹt cứng”, nhiều khi nông dân khốn khó với nhau, chả biết nhà ai có mà xoay tạm. Đi ăn đám cưới mà cứ lo lắng tiền bạc, không thoải mái về tâm lý, liệu ngày vui có được trọn vẹn?
Nhiều thôn, nhiều xóm treo cái bảng hoành tráng trên cổng chào là danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa” mà đâu đó vẫn còn nếp sống chưa xứng tầm với bảng hiệu. Đã làm cỗ ở nông thôn thì phải là mâm cao cỗ đầy vì thứ nhất là người quê đi tiệc thích ăn no, thứ 2 cũng là sĩ diện, sợ mang tiếng hà tiện. Thế là cỗ bàn bày ra thì rất nhiều món, ăn không xuể dẫn đến việc lãng phí nguyên liệu, tiền bạc, thời gian và công sức nấu nướng, dọn dẹp! Bên cạnh đó, tục này còn phát sinh những sự việc mà ai cũng biết nhưng nhiều lúc không ngờ tới, đó là “tửu nhập ngôn xuất”. Gặp nhau là phải cà kê. Khi đã ngà ngà say thì bắt đầu có những câu chuyện không đầu không cuối, không có lý do cũng đem ra tranh cãi, gây mất đoàn kết, rồi dẫn đến động chân động tay. Ngày vui đến gần kề nhưng điều này đã gây ra sự bất hòa, làm mất đi niềm hứng khởi. Thế thì còn đâu là thôn văn hóa!
Tôi vẫn thường nghe ông bà nội kể, những năm sau giải phóng, theo chủ trương của Nhà nước, đám cưới được tổ chức tại UBND xã. Vật chất chỉ có vài cân kẹo cùng với ấm nước chè xanh. Có ông Chủ tịch UBND xã là đại diện cơ quan pháp luật đứng ra để tổ chức hôn lễ, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho cặp vợ chồng, mỗi bên gia đình chỉ đại diện 5-7 người gồm cha mẹ, anh em ruột thịt của cô dâu chú rể. Nhưng buổi lễ vẫn trang trọng, thiêng liêng và đầm ấm. Và cho đến nay, ông bà nội tôi đã chung sống hòa thuận, hạnh phúc hơn 40 năm. Thiết nghĩ, lễ cưới không cần phô trương mâm cao cỗ đầy mới có hạnh phúc.
Nói tóm lại, “ăn xóm” là tục lệ cần suy xét lại. Cưới hỏi là tục lệ quan trọng nhất đời người nhưng không nên đánh đồng sự linh đình, long trọng với sự rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho cả chủ và khách. Đơn giản nhưng thấm đượm nghĩa tình và đáng nhớ, đó chẳng phải đậm đà văn hóa Việt sao?
Nguyễn Đức Hiền