Thời sự - Bình luận

Phòng-chống bệnh dại cần bắt đầu từ ý thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kể từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng trên cả nước. Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2023, cả nước ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố.

Còn từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 45 ca bệnh dại tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có ca bệnh so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ năm 2013 đến nay, cả nước có 887 ca tử vong vì bệnh dại. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, đã có 27 ca tử vong vì bệnh dại, khoảng 100 ngàn người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Đây là con số rất đáng lo ngại đối với căn bệnh mà lẽ ra chúng ta có thể chủ động phòng tránh.

Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại. Tỉnh cũng là “điểm nóng”, đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại trong năm 2023 với 14 trường hợp. Điểm chung của các trường hợp này đều là do chủ quan, không tiêm huyết thanh kháng dại hay vắc xin phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn mà chỉ rửa sơ vết thương, tự theo dõi ở nhà. Cho đến khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện lâm sàng như sợ nước, sợ gió, co giật, liệt mới đưa đi bệnh viện để cứu chữa thì đã quá muộn màng. Bên cạnh đó, thực tế đáng buồn là dù số người tử vong vì bệnh dại gia tăng nhưng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại chỉ đạt khoảng 20% trên tổng đàn chó hơn 217 ngàn con trong toàn tỉnh.

Bản thân mỗi người dân cũng cần nhận thức rõ mối nguy hiểm từ đàn vật nuôi thả rông. Ảnh: Phương Vi

Bản thân mỗi người dân cũng cần nhận thức rõ mối nguy hiểm từ đàn vật nuôi thả rông. Ảnh: Phương Vi

Trước sự gia tăng của bệnh dại, từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho đến các địa phương đều đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như phân bổ vắc xin phòng dại, rà soát đàn chó, mèo; tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực đội ngũ thú y viên cơ sở… Thế nhưng, tất cả sẽ “đổ sông đổ biển” nếu như mỗi người dân không tự nâng cao nhận thức, hình thành ý thức phòng tránh bệnh dại, nhất là các hộ có nuôi chó, mèo. Tại Gia Lai đã có địa phương quyết liệt thành lập đội xử lý chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, nghi dại. Sau vài ngày ra quân rầm rộ, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ thì đội cũng vấp phải sự phản kháng từ những chủ vật nuôi. Điều này xuất phát từ nhận thức chủ quan, thiếu hiểu biết của những chủ vật nuôi.

Và thực tế, tình trạng chó, mèo thả rông vẫn tiếp diễn. Không chỉ ngoài đường, nhiều chủ hàng quán ăn uống vẫn vô tư để chó, mèo đi lại tự do trong khu vực buôn bán, nấu nướng. Chúng tự nhiên chui vào gầm bàn, tìm kiếm thức ăn thừa do thực khách ném xuống. Chưa kể đến việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm bởi vi khuẩn, lông và mùi hôi thì điều này còn vô tình đẩy khách vào tình huống nguy hiểm vì không lường được những con chó, mèo đó có “nổi hứng” cắn hay cào vào mình hay không. Một trong những nguyên nhân khác cũng cần nhắc đến là việc người dân vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác với chó, mèo lạ. Vì thói quen, sự yêu thích vật nuôi, nhiều người không đề phòng nguy hiểm mà thoải mái tiếp xúc, vuốt ve chó, mèo, dẫn tới vô tình bị tấn công, gây nguy hiểm cho chính bản thân.

Ngoài ra, tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo là giải pháp then chốt để ngăn ngừa bệnh dại. Thế nhưng, do nhận thức cũng như điều kiện kinh tế, nhiều gia đình có nuôi chó, mèo, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến vi rút dại vẫn còn lưu truyền, đe dọa tới tính mạng của người dân, cộng đồng.

Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025, trên 90% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030. Đối với phòng-chống bệnh dại ở người, mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% số người tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, cùng với các giải pháp đồng bộ từ phía chính quyền, cơ quan chức năng thì mỗi chủ hộ nuôi chó, mèo cần phải có ý thức chủ động khai báo, tiêm vắc xin phòng dại và chỉ nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, đeo rọ mõm cho vật nuôi khi cho chúng đi ra ngoài. Bản thân mỗi người dân cũng cần nhận thức rõ mối nguy hiểm từ đàn vật nuôi thả rông, thực hiện tiêm phòng ngay khi bị chó, mèo hay vật nuôi khác cắn, cào, liếm vào vết thương hở nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm