Phòng-chống dịch bệnh gia súc trong mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa khô Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, độ ẩm tích lũy cao gây ra những trận mưa giông vào lúc chiều và tối. Mùa khô cũng là lúc khan hiếm nguồn thức ăn, sức đề kháng của gia súc giảm tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc.

 
Tiêm phòng vắc xin nhằm hạn chế sự xuất hiện của dịch bệnh. Ảnh: Quang Tấn

Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Các địa phương cũng vừa hoàn thành xong công tác tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Đây là biện pháp tích cực nhằm hạn chế sự xuất hiện của dịch bệnh. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số tỉnh, thành trong cả nước và nhất là thời tiết hanh khô, nguồn thức ăn thiếu, nước uống cạn kiệt là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát nên chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh xuất hiện đang được cơ quan chuyên môn triển khai quyết liệt. Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chi cục triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tập trung tuyên truyền hướng dẫn nhân dân chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của mình. Tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh động vật đến tận hộ chăn nuôi. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật và các sản phẩm động vật ngay tại nguồn gốc xuất xứ. Kiểm dịch con giống theo các chương trình, dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo phát triển chăn nuôi trên địa bàn theo đúng quy định.

Đối với các hộ chăn nuôi thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn gia súc, gia cầm, như uể oải, ủ rũ, kém ăn; kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày để biết được tình trạng sức khỏe đàn gia súc. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết, không được bán hoặc đưa gia súc ốm, chết và chất thải gia súc ra môi trường xung quanh. Khai báo ngay với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương hoặc Trạm Thú y huyện khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở heo… để được hướng dẫn phòng-chống. Chấp hành các quy định về phòng-chống dịch bệnh của chính quyền địa phương và quy định của pháp luật về thú y. Hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải thực hiện tốt không giấu dịch, không bán chạy gia súc bị bệnh, không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Dự trữ thức ăn tinh và trong thành phần thức ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng là nhu cầu cần thiết cho gia súc trong mùa khô. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo, sạch sẽ để tránh ẩm mốc. Trong khẩu phần ăn bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và kháng sinh vào thức ăn khi thời tiết thay đổi để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Cung cấp nguồn nước uống sạch cho gia súc. Bà Hoàng Thị Lan, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: Vào những tháng cao điểm của mùa khô, không có thức ăn xanh nhưng vẫn có rơm, cây bắp khô thu gom trong vụ mùa cũng đủ cho gia súc ăn. Dù thức ăn không nhiều nhưng cũng đảm bảo không để gia súc đói. Mặt khác, chúng tôi mua thực phẩm công nghiệp, như cám, bắp xay bổ sung dinh dưỡng cho đàn gia súc. Còn ông Đinh Luynh, xã Ia Dêr lo lắng: Hiện nay đang vào thời cao điểm của mùa khô, nguồn nước uống cho gia súc cạn kiệt dần, không còn nước tắm cho gia súc. Nếu nắng hạn kéo dài không biết còn nước cho bò uống không. Theo khuyến cáo của ngành Thú y, gia đình chăn nuôi cần thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi 1-2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng: vôi bột, benkocid, haniodine...

Điều đáng lo ngại hiện nay là phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Vài địa phương đã xây dựng nhưng cũng không hoạt động được. Tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y đang diễn ra phổ biến, rất dễ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen vứt xác gia súc, gia cầm chết xuống sông, rạch... nên dịch bệnh luôn là nguy cơ tiềm ẩn. Thực tế cho thấy, vai trò của chính quyền cấp cơ sở rất quan trọng trong công tác phòng-chống dịch bệnh, song không ít địa phương chỉ triển khai cho có, hoặc “giao khoán” cho ngành Thú y nên hiệu quả của công tác phòng-chống dịch chưa cao, vẫn còn đó nguy cơ tái phát dịch.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm