Thời sự - Bình luận

Phòng chống gian lận thi cử thời công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng gian lận thi cử xảy ra trong thời gian qua, nhất là khi việc sử dụng thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi đã đặt ra đòi hỏi việc phòng, chống gian lận thi cử càng phải chặt chẽ hơn.
Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên, Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên, Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023, cơ quan chức năng đã phải khởi tố một số thí sinh vì tội làm lộ, lọt đề thi. Trong đó, tại Cao Bằng có một thí sinh dùng điện thoại di động chụp ảnh đề thi môn Ngữ văn sau khi phát đề 15 phút và gửi qua ứng dụng Messenger nhờ một sinh viên đại học làm hộ, khiến đề thi bị lộ trên mạng xã hội. Tại Yên Bái, sau 60 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Toán (2/3 thời gian làm bài), một thí sinh đã dùng điện thoại di động chụp ảnh một phần đề thi môn Toán gửi qua Messenger để nhờ 3 người khác làm bài hộ, cũng khiến đề thi bị lộ trên mạng xã hội.

Với hai vụ việc này, cơ quan chức năng xác định, hành vi của các thí sinh dù không gây ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi nhưng đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bởi theo Khoản 1, Điều 1 Quyết định 531/QĐ-TTg Ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì đề thi tốt nghiệp THPT chưa được công khai thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước có độ "Tối mật".

Thực tế, việc gian lận trong thi cử của thí sinh, như thường thấy trước đây là các lỗi như: nhìn bài, sao chép bài, mang tài liệu vào phòng thi... Nhưng càng ngày, gian lận thi cử càng được “nâng cấp”, thí sinh cố tình mang các vật dụng không được cho phép vào phòng thi như điện thoại, sử dụng tai nghe siêu nhỏ liên kết với thiết bị có gắn sim điện thoại hỗ trợ cuộc gọi… dù đã được phổ biến rất kỹ trong quy chế. Tinh vi hơn, thí sinh sử dụng các thiết bị được thiết kế nguỵ trang, trà trộn vào những vật dụng như: kính mắt, cúc áo, bút viết, đồng hồ, vòng đeo tay nhưng có gắn thiết bị để chụp ảnh, thu âm gửi đề ra bên ngoài cho người khác làm hộ.

Tại hội nghị trực tuyến mới đây giữa Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh, thành phố, đại diện Bộ Công an cũng nhấn mạnh, tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, tại một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện thí sinh sử dụng công nghệ AI để gian lận trong thi cử. Thậm chí, có thiết bị định tuyến được thiết kế nằm ngay ở... đế giày. Vì thế, việc phát hiện thiết bị gian lận thi cử ngày càng khó khăn hơn.

Cán bộ công an phổ biến các thiết bị gian lận thi cử. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN
Cán bộ công an phổ biến các thiết bị gian lận thi cử. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Việc gian lận trong kỳ thi, lỗi đầu tiên chính là sự liều lĩnh, cố tình vi phạm quy chế thi của thí sinh. Ở một góc độ khác, là do có sự “hậu thuẫn”, “tiếp tay” của chính phụ huynh, thậm chí với cả giáo viên. Việc vi phạm quy chế thi sẽ khiến thí sinh phải “trả giá đắt”, có thể bị trừ điểm, thậm chí bị đình chỉ, huỷ bỏ kết quả thi. Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp làm lộ, lọt đề thi, thí sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như hai trường hợp đã nêu ở trên. Điều này cho thấy, kỷ luật trường thi rất nghiêm minh.

Sau những vụ việc gian lận trong thi cử đã từng xảy ra, tại kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm nay (diễn ra từ 27-28/6), bên cạnh công tác chuẩn bị trên tinh thần đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, thật chu đáo, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại; thì ngành giáo dục, các địa phương và các ngành liên quan cũng quán triệt phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, phòng ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.

Tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5 của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi và Tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 cũng nêu rõ: “tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ thông tin liên lạc vào phòng thi”.

Gần đây nhất, tại công điện số 60/CĐ-TTg (ngày 22/6) về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để triển khai biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi.

Hội nghị trực tuyến BCĐ Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với BCĐ các tỉnh, thành. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Hội nghị trực tuyến BCĐ Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với BCĐ các tỉnh, thành. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Để ngăn chặn gian lận thi cử, trước tiên và quan trọng nhất là bản thân mỗi thí sinh. Học thật, thi thật, thi bằng chính kiến thức của mình. Việc gian lận trong thi cử không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân thí sinh, mà còn có thể ảnh hưởng đến kết quả chung của cả kỳ thi có tính chất quốc gia. Hậu quả sẽ thật khó lường nếu như việc gian lận của một thí sinh mà gây ảnh hưởng tới hàng ngàn thí sinh khác.

Kết quả kỳ thi cần phải phản ánh trung thực trí tuệ, năng lực của thí sinh, vì kết quả đó sẽ là hành trang cho bước đường tiếp theo. Trong hành trang cho tương lai ở phía trước ấy sẽ không có chỗ cho sự “gian dối”!

“Trồng cây đến ngày hái trái”, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả của 12 năm học tập, rèn luyện, với rất nhiều nỗ lực không ngừng của bản thân thí sinh và cả gia đình, hơn ai hết, chính các em thí sinh hiểu rõ nhất hậu quả của việc gian lận thi cử, không để “xảy một ly, đi một dặm”.

Nhưng phòng chống gian lận trong thi cử không chỉ là biện pháp giám sát chặt chẽ với thí sinh khi làm bài thi mà từ còn cả từ các khâu ra đề, trông thi đến chấm thi. Bởi việc gian lận cũng có thể diễn ra ở tất cả các khâu của kỳ thi như: làm đề thi, in sao đề thi, quá trình vận chuyển đề thi, bài thi; đánh tráo bài thi, sửa đổi thông tin, số liệu, điểm thi trong quá trình chấm thi.

Để có một kỳ thi nghiêm túc, an ninh, an toàn, không chỉ cần sự nỗ lực của ngành giáo dục, là ý thức của từng thí sinh, là trách nhiệm của gia đình mà cả sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng như công an các địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngành giáo dục đảm bảo an toàn cho các khâu trọng yếu của kỳ thi, nhất là khâu in sao đề thi. Phát hiện, xử lý nghiêm các nguy cơ tiêu cực, ngăn chặn việc phát tán đề thi ra bên ngoài, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kỳ thi. Triệt xóa các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử...

Có thể bạn quan tâm