Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Phòng-chống tham nhũng, lãng phí: Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 1-4, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2019. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh.
Nhiều khó khăn trong xử lý các vụ án, vụ việc
Báo cáo tại hội nghị do lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày nêu rõ: Quý I-2019, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo quán triệt ban hành hệ thống văn bản về công tác phòng-chống tham nhũng. Các cơ quan chuyên trách thường xuyên phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra phòng-chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng nên đã đạt được những kết quả nhất định.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: V.H
Gợi ý thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu: Các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua. Đặc biệt, tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác này và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cơ quan tư pháp, Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo tiến độ điều tra, xét xử 2 vụ án do Ban Nội chính Trung ương theo dõi, 5 vụ án do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, 14 vụ việc kinh tế có dấu hiệu tham nhũng do cơ quan kiểm tra, thanh tra phát hiện chuyển Cơ quan Điều tra.
Về tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tồn đọng, đồng chí Rah Lan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy-cho biết: Hầu hết các vụ án, vụ việc tồn đọng chưa xử lý được là do công tác giám định về thiệt hại gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, một số vụ đã hoàn thành công tác giám định, cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định. Đồng quan điểm, Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: Công tác giám định chậm trễ đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc điều tra, hoàn thiện hồ sơ để tiến hành truy tố, xét xử các vụ việc. Minh chứng là vụ sai phạm trong đấu thầu thuốc tại Sở Y tế do khó khăn về giám định nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh phải đình chỉ vụ án vào năm 2017. Đến nay đã có kết quả giám định mới và phục hồi điều tra nhưng kết quả này cũng không rõ ràng về số tiền thiệt hại. Về nguyên tắc, để xác định một đối tượng có phạm tội hay không phải định lượng được thiệt hại về kinh tế là bao nhiêu, thế nhưng do quá trình gửi hồ sơ đi giám định đến các bộ, ngành chậm có kết quả nên vụ án bị kéo dài.
Để khắc phục tình trạng các vụ án, vụ việc tồn đọng do công tác giám định, đồng chí Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-cho rằng: Trong điều kiện thiếu cán bộ phụ trách việc giám định tài chính, thời gian qua, Sở đã tăng cường cán bộ để thực hiện tốt công tác này. Cùng với đó, hiện nay có 7 địa phương đã đăng ký bổ sung cán bộ giám định, Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ để bổ sung đội ngũ giám định viên tài chính.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Để công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả cao thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu hết sức quan trọng. Đồng chí Trần Hữu Đức-Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh-nêu rõ: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, vụ án sau khi xét xử có hiệu lực pháp luật 30 ngày thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Năm 2018, các địa phương, đơn vị đã xử lý trách nhiệm 4 trường hợp người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, sai phạm ở cơ quan, đơn vị mình. Việc làm này đã có tác dụng răn đe, giáo dục, qua đó người đứng đầu thấy rõ vai trò của mình trong công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí.
Chánh Thanh tra tỉnh nêu giải pháp để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: V.H
Nói về công tác thanh tra phòng-chống tham nhũng từ đầu năm đến nay, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Ngành Thanh tra đã tiến hành 65 cuộc thanh tra, trong đó thanh tra hành chính 39 cuộc tại 42 đơn vị; thanh tra chuyên ngành 19 cuộc; tiến hành 7 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng-chống tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành Thanh tra cũng đã chuyển hồ sơ vụ sai phạm tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa sang Cơ quan Điều tra để xử lý theo quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 2 tập thể và 62 cá nhân; ban hành 116 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 629 triệu đồng.
Nhiều đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, để công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả thì trước tiên phải giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các địa phương, đơn vị đã tiếp nhận 634 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan Cảnh sát Điều tra 2 cấp đã thụ lý 5 vụ với 13 bị can, đến nay đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 2 vụ với 2 bị can, các vụ còn lại đang được đẩy nhanh quá trình điều tra.
Để công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí thời gian tới đạt hiệu quả cao, đồng chí Đỗ Tiến Đông-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các địa phương, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm. Cùng với đó, khi Thanh tra tỉnh đề nghị tăng cường lực lượng để tiến hành thanh tra, các cơ quan, đơn vị phải bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm để tham gia.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Một số vụ việc tồn đọng kéo dài đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan chưa cao như vụ vận chuyển trái phép hơn 121 m3 gỗ tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai) đến nay chưa xử lý dứt điểm. “Phải chăng có sự buông lỏng quản lý địa bàn, công tác điều tra còn lúng túng, liệu có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng? Bản thân tôi và Đảng bộ tỉnh cảm thấy có lỗi với nhân dân về vụ việc này”-Bí thư Tỉnh ủy nói. Về việc các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an vừa tạm giữ hơn 130 đối tượng tham gia đánh bạc và hơn 60 xe ô tô tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt câu hỏi tại sao các lực lượng chức năng của địa phương không biết. Ngần ấy người, phương tiện vào địa bàn, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng không nắm được chứng tỏ rằng công tác quản lý địa bàn rất lỏng lẻo. Tới đây, các địa phương và đơn vị phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn. Về công tác phòng-chống tham nhũng trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy cần tham mưu, giúp Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc các cơ quan tư pháp đẩy nhanh quá trình điều tra, xét xử các vụ án. Thanh tra tỉnh tiếp tục thanh tra các đơn vị có nhiều sai phạm, đặc biệt là tại các ban quản lý rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
 VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm