Phong trào Đồng khởi năm 1960 và cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và một số nước trên thế giới biết đến; được xem là một sự kiện trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954) có hiệu lực, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Ở miền Nam, Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Cam Lộ, Hướng Điền, Chợ Được, Củ Chi, Mỏ Cày; đồng thời thực hiện biện pháp chiến lược mang tên “tố cộng, diệt cộng” nhằm loại bỏ những người cộng sản, triệt phá tổ chức và tư tưởng cộng sản. Đến đầu năm 1959, với việc ban hành “Luật 10-59”, Mỹ - Diệm đã tăng cường sử dụng bạo lực phát xít, lê máy chém khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp, bắt giam và sát hại quần chúng cách mạng, phơi bày bản chất xâm lược và bán nước của chúng.
Trước tình hình khủng bố ngày càng gay gắt của địch, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thống nhất ban hành Nghị quyết 15 về “Tăng cường đoàn kết, kiên quyết, đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước”, nêu rõ mục tiêu, con đường của cách mạng miền Nam lúc này là “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định và “Đội quân tóc dài”. |
Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 về đến các địa phương miền Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, mở ra cao trào cách mạng mới, thật sự là “pháo lệnh” cho công cuộc Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam đầu năm 1960.
Giữa tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập Hội nghị lần thứ 4 bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Bản Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy vạch ra những công tác cụ thể, trong đó đề cập việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, thiết thực hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Tháng 12-1959, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ triệu tập đại biểu các tỉnh Kiến Phong, Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, An Giang, tổ chức hội nghị tại Hồng Ngự để bàn các biện pháp thúc đẩy phong trào cách mạng ở Trung Nam Bộ tiến lên giành những thắng lợi mới. Hội nghị Liên Tỉnh ủy quyết định: Phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp.
Tại Bến Tre, thực hiện chủ trương của Hội nghị Liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ, Tỉnh ủy thống nhất, kiên quyết phát động và lãnh đạo quần chúng toàn tỉnh nổi dậy và chọn 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (Mỏ Cày) làm điểm chỉ đạo. Sáng 17-1-1960, “tổ hành động” của xã Định Thủy đánh chiếm Tổng đoàn dân vệ đóng tại đình Định Phước, thu toàn bộ súng đạn, mở đầu cuộc Đồng khởi.
Cũng trong ngày 17, 18-1-1960, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở các xã Bình Khánh, Phước Hiệp và các xã khác trong huyện Mỏ Cày, sau đó lan ra cả Cù lao Minh và toàn tỉnh Bến Tre. Quần chúng vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác, nổi trống mõ, đốt ống lói, được “tổ hành động” hỗ trợ làm nòng cốt đã kéo đi bao vây, bức rút, bức hàng đồn bốt, phá thế kìm kẹp của địch.
Sau tuần lễ Đồng khởi, ta bức rút, bức hàng 20 đồn bốt, thu hàng trăm súng; đồng thời, 4 tiểu đội vũ trang tuyên truyền đã được xây dựng. Mỹ - Diệm coi Bến Tre là cái “ung độc Kiến Hòa” và liên tiếp cho quân đội đến phản kích. Lực lượng vũ trang của tỉnh tuy mới thành lập nhưng đã liên tiếp giáng cho chúng những đòn chí tử. Ngày 25-3-1960, Mỹ - Diệm đưa hơn 10.000 quân hỗn hợp vào Bến Tre bao vây 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp hòng dập tắt phong trào nổi dậy và tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của ta. Tuy nhiên với sự vững vàng, mưu trí, Ban Chỉ huy Đồng khởi đã vận dụng sáng tạo và phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao mới; kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và binh vận, đặc biệt là đã vận động hàng nghìn lượt quần chúng liên tục kéo về thị trấn Mỏ Cày đấu tranh trực diện làm cho bọn đầu não bối rối, binh sĩ địch hoang mang.
“Đội quân tóc dài” biểu tình trong phong trào Đồng khởi năm 1960. |
Trước khí thế và tinh thần anh dũng của dân ta sau 12 ngày càn quét, địch buộc phải rút quân.
Sau đợt đầu thắng lợi, phong trào Đồng khởi không ngừng phát triển mạnh mẽ. Tỉnh ủy chủ trương đợt nổi dậy lần thứ hai, khởi đầu vào ngày 23-9-1960, điểm Đồng khởi là Châu Hòa, Châu Phú, Châu Thới. Bằng sự kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, đợt Đồng khởi lần hai đã thu được thắng lợi rực rỡ: 60 đồn địch bị san bằng, 400 tên địch bị giết và trên 40 xã đã hoàn toàn giải phóng.
Đến cuối năm 1960, ta đã giải phóng hoàn toàn 51/115 xã, 21 xã giải phóng một phần, nhân dân làm chủ 300/500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị phá rã. Đảng bộ Bến Tre có sự lớn mạnh rõ rệt: 80 xã có chi bộ với 937 đảng viên, các đoàn thể quần chúng phát triển mạnh. Tỉnh xây dựng được 2 đại đội vũ trang tập trung, huyện có từ 1 - 2 trung đội; một lực lượng đấu tranh chính trị hùng hậu, tiêu biểu là “Đội quân tóc dài” nổi tiếng ra đời ngay trong những ngày đầu Đồng khởi; hơn 80.000 mẫu ruộng được chia cho dân nghèo. Ngày 28-12-1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bến Tre được thành lập tại Bến Bàu, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.
Cùng với Bến Tre, nhân dân và lực lượng vũ trang ở miền Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã vùng lên mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn. Từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu, ta chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, đập tan từng mảng chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ.
Phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng và phát triển đồng loạt vào tháng 9-1960 trên khắp miền Nam: từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây đồng bằng Khu 5. Theo chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26-1-1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) tiêu diệt và bắt sống 500 quân ngụy, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xóa bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp. Hòa nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh là các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ…
Cách mạng đã làm chủ được một vùng căn cứ rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược, nối từ Tây Nguyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng Khu 5; đồng thời, phong trào Đồng khởi ở nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định. Những ngày này, trên khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, nhân dân xuống đường biểu tình mít tinh chống chính sách xâm lược và gây chiến của Mỹ, đòi lật đổ chính quyền Diệm. UBND tự quản đã được thành lập ở nhiều nơi.
Tính đến cuối năm 1960, ta đã giành quyền làm chủ ở 1.363 xã trên toàn miền Nam (trong đó, Nam Bộ là 984 xã, Khu 5 là 379 xã), giải phóng 5,6 triệu dân. Phong trào đã huy động được hàng triệu người tham gia đấu tranh chính trị trực diện, thu lại 17 vạn héc-ta đất bị Mỹ - Diệm cướp trả về cho nông dân…
Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào Đồng khởi đã bùng phát, lan rộng, tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ miền Nam được khôi phục, lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp được thành lập; các căn cứ địa cách mạng được khôi phục, mở rộng; tuyến đường huyết mạch Trường Sơn – Hồ Chí Minh và tuyến đường biển được hình thành và phát triển… góp phần hiện thực hóa quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân dân hai miền Nam – Bắc. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành (nay là Tân Biên – Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân miền Nam, tập hợp rộng rãi quần chúng đấu tranh vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương
(Dẫn nguồn baodaklak)