Phóng sự - Ký sự

'Phu đào' biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những gốc đào bị mối xông, sâu đục hay gãy đổ vẫn bị đánh cả gốc đem bán. Đào rừng Tây Bắc mất dần, dân buôn đào sang cả Lào mua sắc hoa đẹp này phục vụ "thượng đế"...
 
Cây đào nhiều năm tuổi bị đào cả gốc bán - Ảnh: VŨ TUẤN
Thấy hoa đẹp mà mang về làm của riêng thì cũng giống như hái hoa trong vườn. Hoa đẹp về nhà mình, nhưng vườn hoa không còn đẹp nữa.
TRÁNG A CHIA
Xa rồi thời người người đổ xô vào rừng chặt đào đem bán. Kiểm lâm siết chặt, mà thật ra đào rừng cũng chẳng còn nhiều như trước để muốn chặt là chặt.
"Bắt đào" và "phu đào"
Dân "phu đào" xoay hướng sang Lào. Loài hoa này được trồng rất nhiều bên đó, và dân Lào chặt tỉa để bán sang Việt Nam. Những ngày cận tết, các cung đường biên viễn Việt - Lào mọc lên các chợ thắm sắc đào.
Vì Văn Tám, một dân "bắt đào" chuyên nghiệp, đeo chiếc đèn pin lên đầu rồi phóng xe máy ra ngã ba Cầu Cạn (xã Loóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La). 
Nghề "bắt đào" là tìm mua đào cho các chủ buôn dưới xuôi. Tám lựa chọn, ngã giá, khi nào đào lên xe thì đếm cành tính tiền công, chủ buôn sẽ chi tiền.
Mới chập tối, hàng chục người "bắt đào" và lái buôn ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội... đã có mặt ở Cầu Cạn. "Phu đào" từ Lào về. Đèn xe máy, đèn pin loang loáng. Tốp đầu khoảng 20 xe "tồng tộc" (xe máy nát), không chắn bùn, không biển số. Người mua, người bán chọn lựa, trả giá vang cả góc rừng.
 
Chợ hoa đào tấp nập gần biên giới huyện Yên Châu, Sơn La - Ảnh: VŨ TUẤN
"Cành này bao nhiêu?". "3 triệu" - một người trả lời. "1 triệu 6. Đồng ý thì cởi, không thì đi bán may mắn nhé". Người bán ngần ngừ rồi nói: "Cho thêm 2 trăm, bán".
Tôi thắc mắc những cành đào chẳng có lấy một hoa, nhìn như cành củi khô. Tám nói đấy mới là độc đáo của đào rừng. Chỉ cần cho đào "ăn" đủ nước, vài hôm lộc sẽ nhú, hoa nở. Dân "bắt đào" chuyên nghiệp như Tám chỉ cần nhìn là đoán được tuổi cây. Theo Tám, đào càng già hoa càng to, màu càng đậm và sẽ chơi được lâu. Đào non, hoa chóng nở nhưng chóng tàn.
"Phu đào" Tráng A Chia vui vẻ bán được cành đào 4 triệu. Cành này có gốc to bằng cái phích nước, vỏ xù xì, bám rêu như bonsai. 
Người "bắt" được vui vẻ trả tiền vì dáng cây đẹp, tuổi già, lại có nhiều "nụ đuổi". Ông chủ buôn cũng trầm trồ: "Tha hồ chơi đến hết rằm". Dân buôn đào đều biết cỡ cành này về xuôi có giá không dưới chục triệu đồng.
Vài chục triệu một cành đào
A Chia bảo mình phải đi từ sáng sớm, chạy xe máy hơn 160 cây số đến tỉnh Sầm Nưa (Lào) cùng người em họ sống bên đó vào vườn tỉa đào. Anh rút điện thoại, mở ảnh khoe: "Đêm qua em bán 2 cành, được 52 triệu. Mấy năm mới tìm được cành bán giá tốt. Khó lắm".
"Phu đào" này hồ hởi vì một đêm may mắn kiếm tiền hơn mấy năm trồng ngô. Gần chục năm nay, "phu đào" mà chủ yếu là người Mông chọn cung đường dọc biên giới Việt - Lào làm chợ. Điểm đầu tiên là khu vực Lóng Luông kéo dài lên Loóng Phiêng, Lao Khô, Phiêng Khoài của huyện Yên Châu. 
Trong đó khu vực Lao Khô, Phiêng Khoài có nhiều đào về nhất. Trước Tết Nguyên đán gần một tháng, mỗi ngày có cả chục xe tải chở đào từ đây về xuôi. Có tay buôn còn đánh cả container chở đào về Hà Nội.
 
Khách du lịch mua đào về nhà chưng tết - Ảnh: VŨ TUẤN
Càng về khuya, đào về chợ biên giới ít hơn, nhưng toàn cành "khủng". Nửa đêm, hai chiếc tồng tộc loạng choạng chở 2 cành đào to choán gần hết lòng đường. Giàng A Xanh "hét" giá: "28 triệu, lấy không?". Đám "bắt đào" và chủ buôn tụ vào, người soi đèn, kẻ lật cành ngắm nghía. 
Một tay "bắt đào" mặc cả "20 triệu thì cởi" (tháo dây buộc). A Xanh quyết không bán. Người khác trả lên 24 triệu, A Xanh vẫn lắc đầu, chiếc xe máy lại phành phạch chở cành đào "khủng" ra ngã ba Tà Làng.
Một tay buôn đào soi đèn theo trầm trồ: "Cây này mà nở thì to như vườn hoa". Anh chê một điểm là cành đào có "tay vươn", chứ còn "tay rụt" thì 30 triệu cũng mua. "Tay vươn" theo anh giải thích là đào còn non, hoa sẽ nhỏ và chóng tàn. Cành già, hoa to và bền, chơi được lâu.
Nhiều người cứ nghĩ chỉ những cây đào Thất Thốn được chăm sóc tỉ mỉ trong nhà lạnh mới có giá vài chục triệu đồng. Hoặc những đào thế dưới xuôi được tạo dáng bonsai cầu kỳ thì giá mới đắt đỏ. Nhưng khi đến chợ đào biên viễn này mới biết dân chơi cũng "năm đường bảy nẻo" và chịu chi khiếp.
Đào rừng và nỗi buồn sơn cước
Dẫn tôi lang thang các chợ đào biên viễn, Vì Văn Tám giới thiệu sơ sơ chục loại đào rừng, nào là đào đá, đào Lào, đào mốc, đào thóc, đào nước, rồi đào Mường La, đào tay rụt, tay vươn... Trong đó, đào đá (đào mọc trên núi đá) có giá nhất. 
Cành chúng khẳng khiu nhưng sống khỏe, cánh hoa dày, đậm màu. Đào đá có nhiều ở Tủa Chùa (Điện Biên) và vùng Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), Hà Giang...
Tuy nhiên, đào đá ngày càng hiếm. Đào trên núi càng to, già, xù xì, gân guốc lại càng có giá. Người chơi thích cái mộc mạc, hoang dại của đào rừng. Giống đào trồng lấy quả ở Tây Bắc cũng được gọi là đào rừng. Nhiều vườn bị chặt dần để bán cành, bán gốc.
Dọc tuyến quốc lộ 6, đào rừng bán la liệt. Xe nào về xuôi cũng buộc, cũng chằng đào trên nóc. Dân bản có thêm ít tiền tiêu tết, nhưng cũng nhiều người buồn. Ông Bính, một người làm kinh doanh ven quốc lộ 6 thuộc huyện Vân Hồ, nhớ lại hồi ông mới lên Sơn La mở quán còn bạt ngàn đào. Gần tết, hoa đào nở rực. Ấy thế mà hơn chục năm qua, các nương đào cứ thưa dần.
 
Điểm du lịch ở Vân Hồ (Sơn La) “nói không” với chặt cành rừng - Ảnh: VŨ TUẤN
Mấy năm gần đây, nhiều người chặt hết cành thì trốc cả gốc đào đem bán. Có gốc đào 20 năm tuổi bán chưa tới 1 triệu đồng. Dân buôn mua về bán lại cho các nhà vườn dưới xuôi làm đào ghép, đào thế.
Anh bạn Tráng A Chia có homestay ở bản Hua Tạt, Vân Hồ, kịch liệt phản đối chặt đào để bán. Trước cổng nhà anh treo cái bảng to tướng với dòng chữ: "Ở đây không buôn bán gốc đào, cành đào...". Là người Mông lớn lên ở Hua Tạt, anh chứng kiến nhiều vườn đào cứ "tí xỉu dần mòn", người trong bản cũng chặt cành, cũng đào cả gốc mang bán.
Bây giờ hết đào, người ta đi tận Háng Đồng (huyện Bắc Yên), đi Điện Biên, rồi sang cả Lào để mua đào. Nhiều khi họp, anh cũng mạnh mồm phát biểu, nhưng nói ra thì bị nhiều người ghét.
A Chia tiếc nuối chỉ lên bản Co Loóng ở xã Vân Hồ: "Chỉ còn cái bản kia còn đào thôi, mà cũng nhờ giống đào nở sau tết nên mới không bị chặt bán".
Chàng trai người Mông mơ ước một ngày nào đó rừng Vân Hồ, Mộc Châu hay rộng hơn nữa là Tây Bắc sẽ lại thắm sắc đào...
70 triệu một cành đào
Vì Văn Tám nói năm nay đến giờ vẫn chưa có cành đào nào vượt quá 30 triệu ở đây. Năm ngoái, Tám "bắt" được 1 cành với giá 50 triệu đồng.
Ông chủ buôn xuống tiền được 15 phút thì chủ khác trả 70 triệu rồi bốc lên xe. Tay buôn chịu chơi này không cần lấy thêm cành nào khác, lập tức chở thẳng về xuôi như sợ người bán đòi lại.

Vũ Tuấn (TTO)

Có thể bạn quan tâm