Phụ nữ chúng tôi không ngại dấn thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải chỉ có nam giới, phụ nữ ngày nay cũng sẵn sàng xông pha trên nhiều lĩnh vực gai góc. Họ dần dần khẳng định năng lực bản thân và tạo cho mình một vị trí nhất định trong xã hội. Song song với điều đó, họ vẫn thực hiện tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.

 

 

Bà Niê Bích Đào-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:

Tôi chuyển sang công tác ở Hội Nông dân tỉnh từ năm 2008, đến nay cũng đã 7 năm. Nhìn chung, ở lĩnh vực này, so với người nam, nữ giới chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chị em chúng tôi ngại khó, ngại khổ.

Bản thân tôi vẫn thường xuyên bám sát cơ sở để nắm tình hình hoạt động của các chi hội, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Từ đó có những ý kiến tham mưu hiệu quả cho công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh.

Công việc là thế nhưng tôi vẫn hài hòa được thời gian cho gia đình. Tôi cũng rất tự hào sở hữu một gia đình hạnh phúc, các con chăm ngoan, thành đạt.

Chị Nguyễn Hữu Hòa Giang-Phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai:

Tôi cho rằng bản thân nghề báo đã là một nghề đòi hỏi phải xông pha và dấn thân. Chính vì thế, mới nhìn vào người ta nghĩ ngay là nữ phóng viên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam vì người phụ nữ thường gắn với trách nhiệm gia đình trong khi thời gian chi phối cho công việc quá nhiều.

Nhưng không phải cứ lăn ra đường, phải đi vào rừng sâu hay đụng vào những vấn đề tiêu cực thì mới gọi là nhà báo. Vấn đề là mình chọn mảng nào để mình đóng góp, cống hiến cho công việc mình đam mê. Có những mảng cực kỳ nhẹ nhàng và rất phù hợp với nữ như viết về mầm non, về giáo dục… Những mảng này chưa chắc người nam đã viết tốt hơn người nữ bởi vì họ vốn đã có những trải nghiệm dựa vào kinh nghiệm của bản thân mình.
 

 

Ngoài ra, phụ nữ làm báo cũng có thuận lợi là khi tiếp xúc với một đề tài, hay một đối tượng, chúng tôi có thể chậm hơn so với những người nam một bước, nhưng không phải vì thế mà để vụt qua mất cái cần khai thác. Ngược lại, chúng tôi có thể nhìn sâu hơn, đồng cảm và lắng lòng hơn. Cũng giống như đàn ông làm báo có mối quan hệ rộng hơn còn phụ nữ làm báo thì mối quan hệ của họ sẽ sâu hơn.

Với tôi, hiện tại sự nghiệp vừa đủ để người ta biết đến, vừa đủ để thỏa niềm đam mê của mình, hạnh phúc gia đình cũng vừa đủ để mình yên tâm công tác. Chồng tôi rất chia sẻ và hiểu công việc của tôi. Nhưng cũng không phải vì thế mà tôi lơ là chăm sóc cho gia đình. Cả 2 đều phải có trách nhiệm với gia đình vì tôi quan niệm nam nữ bình quyền, ai cũng đóng góp cho gia đình và xã hội như nhau.

Chị Lê Thị Ánh Nhật-Trường THCS Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang):
 

 Cô giáo Lê Thị Ánh Nhật (bìa trái).

Tôi ra trường đi làm được gần 2 năm. Nhà tôi ở thị trấn Kbang nên tôi vào Sơn Lang dạy và nghỉ lại đến cuối tuần mới về. Tất nhiên điều kiện dạy và học ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người vẫn thấy buồn khi những năm đầu đi làm phải đến công tác ở vùng sâu, vùng xa. Riêng tôi, tôi lại nghĩ, mình còn trẻ, còn sức khỏe và chưa vướng bận gia đình thì nên đến những nơi ấy để cống hiến và giúp đỡ cho các em nơi khó khăn.

Ở đây, tôi vẫn thường xuyên cùng các thầy cô giáo trong trường đến tận nhà vận động các em đi học, nhất là những học sinh người dân tộc thiểu số với mong muốn các em biết chữ, sau này có thể quay về giúp đỡ và xây dựng buôn làng no ấm hơn.

Chị Lê Thị Hà-Tài xế taxi Mai Linh Gia Lai:
 

 

Tôi cùng gia đình từ Hải Dương vào Gia Lai sinh sống từ tháng 8-2010 và làm tài xế cho taxi Mai Linh được 2 năm. Trước đây tôi tốt nghiệp ngành y nhưng lại không công tác trong lĩnh vực đó ngày nào. Năm 2004 tôi mới đi học lái xe và gắn bó với nó đến giờ.

Phụ nữ lái xe taxi không nhiều bởi nó cũng có nhiều bất cập. Có một số lần tôi gặp phải những vị khách khác giới say xỉn, có những hành động và lời nói khiếm nhã với mình. Nhưng sau đó tôi đã khéo léo xử lý, lái xe đến nơi tập trung để nhờ sự hỗ trợ của anh em đồng nghiệp.

Trong một lần lái xe từ Đức Cơ về TP. Pleiku, đến dốc Hàm Rồng thì có một người nam chạy ra chặn đầu xe có vẻ gấp gáp. Dừng lại tôi mới hay là vợ chồng người này gây gổ với nhau, người vợ uống thuốc cỏ tự tử nên nhờ xe đi cấp cứu. Tôi sẵn sàng chở và may mắn người vợ qua cơn nguy kịch. Tới giờ họ vẫn nhớ ơn tôi mà thăm hỏi thường xuyên. Đó là một trong những kỷ niệm vui với nghề mà tôi nhớ mãi.

Tuy công việc chi phối nhiều thời gian nhưng tôi luôn dành ra một khoản nhất định cho gia đình. Chồng tôi cũng là tài xế nhưng anh ấy lái xe trên tận cửa khẩu Lệ Thanh, thỉnh thoảng mới về nhà một lần. Hàng ngày, dù bận cỡ nào, tôi cũng về ăn cơm với 2 con một bữa và thu xếp nhà cửa. Bận rộn là thế nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng tạo cho nhau những phút giây vui vẻ, ấm áp nhất.

Hồng Thi (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm