Phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những năm qua, cùng với thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số thực hiện tốt phong trào: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ”...

Chị Siu Nhép là hội viên phụ nữ làng Ngo Se, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê. Nhiều chị em trong làng nhắc tới chị như một tấm gương trong vươn lên thoát nghèo. Sau khi được tham dự một số cuộc hội thảo và tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ nguồn vốn ít ỏi của gia đình và 3 triệu đồng do Hội Phụ nữ tín chấp với ngân hàng cho vay, gia đình chị đã trồng 200 trụ tiêu và 500 cây cà phê, năm sau lại trồng thêm 200 trụ tiêu, vài sào cà phê và mua 2 con bò; đồng thời trồng thêm bắp lai, lúa và chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài.
Đến nay, gia đình chị có thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Ngoài làm giàu cho bản thân, chị còn giúp đỡ những chị em khác trong làng, trong xã về vật chất cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Trưởng thành sớm từ phong trào phụ nữ của xã, chị On (làng Sơr, Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng là một điển hình về những người trẻ chững chạc trong nhận thức, vững vàng trong cuộc sống. Với 8 sào cà phê, 7 sào ruộng cùng một số gia súc, đồng thời tích cực tham gia các buổi tập huấn khuyến nông nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất nên thu nhập hàng năm của gia đình chị On, trừ hết chi phí khoảng 50 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Thành công hôm nay một phần là nhờ tham gia vào Hội Phụ nữ, dự nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, sản xuất, biết các chương trình cho vay vốn ưu đãi, kiến thức xây dựng hạnh phúc gia đình”. Chị Kpui Ké-hội viên phụ nữ làng Klũ, xã Ia Drăng, Chư Prông cũng phấn khởi: “Được vay vốn, mình đã đầu tư vào trồng 200 cây cà phê và làm lúa nước đến nay gia đình mình đã thoát nghèo, không còn bị đói nữa, mình rất biết ơn Hội Phụ nữ”. Một số gia đình hội viên người dân tộc thiểu số khác cũng đã đủ ăn đủ mặc nhờ được vay vốn, được phổ biến kiến thức về chăn nuôi, sản xuất như: Ksor H’Lak-làng Breng 2, Ia Dêr, Ia Grai; Đinh Thị Huân-thôn 1, xã Đông, Kbang; Piet-thôn 8, Ia Băng, Đak Đoa…

Để hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ đã tiến hành khảo sát và tìm ra nguyên nhân đói nghèo của hội viên là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, từ đó thành lập nhiều mô hình tổ, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế phù hợp với phong tục tập quán của phụ nữ dân tộc thiểu số như: Mô hình các câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ phụ nữ chăn nuôi giỏi; xây dựng mô hình phụ nữ “3 không”. Thông qua đó giúp chị em thay đổi nhận thức và nhận thấy trách nhiệm của bản thân phải vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Đến nay đã có trên 70% số gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sản xuất, trên 90% hộ gia đình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức hội, bản thân chị em đã tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo, mức vốn vay đầu tư cho phụ nữ còn thấp, nhưng đã biết chắt chiu, tính toán để sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm