Phụ nữ Đức Cơ giúp nhau phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với giống, vốn, việc làm, khoa học kỹ thuật… là những hoạt động thiết thực mà các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đức Cơ đã và đang làm trong nhiều năm qua nhằm giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội đã giúp cho 1.106 phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 225 phụ nữ nghèo làm chủ hộ.

Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: A.H

Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, hàng năm, các cấp Hội đều tổ chức rà soát nhu cầu về giống, vốn, việc làm… trong hội viên và đưa ra các hình thức giúp đỡ phù hợp. Theo đó, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn hội viên sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích. Bà Rơ Ô HRin-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ cho biết: Từ năm 2011 đến nay, thông qua 58 tổ tiết kiệm vay vốn, các cấp Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 3.979 hội viên vay vốn với số tiền trên 67 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội cũng phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề huyện… rà soát, tổ chức dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu việc làm… cho hàng ngàn lượt hội viên, phụ nữ.

Song song với đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh các phong trào, mô hình: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ Đức Cơ với hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”, “Tiết kiệm trong chi tiêu”… để huy động các nguồn vốn nội lực trong hội viên. Đến nay, toàn huyện có 2.626 phụ nữ tham gia 76 tổ phụ nữ hùn vốn với số tiền gần 1,2 tỷ đồng, giải quyết cho 211 phụ nữ vay phát triển sản xuất; 684 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ từ các “Hũ gạo tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”… Riêng mô hình vận động hội viên phụ nữ “Tiết kiệm trong chi tiêu” là một trong 2 mô hình được Hội LHPN huyện chọn làm khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2011-2016. Theo bà Rơ Ô HRin, cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu đi đầu trong thực hành tiết kiệm, sau đó khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng tham gia, từ đó tạo lập được nguồn vốn nhỏ hỗ trợ gia đình khi khó khăn và hình thành thói quen tiết kiệm. Bên cạnh đó, Hội cũng thành lập và duy trì các câu lạc bộ “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; các chi hội, tổ phụ nữ xây dựng quỹ; vận động hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo làm chủ hộ… Bà Hồ Thị Quyết-Chi hội trưởng, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ sản xuất giỏi” thôn Mook Trêl (xã Ia Dom) cho hay: Sau 5 năm hoạt động, câu lạc bộ đã trở thành “diễn đàn” để chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, nguồn quỹ câu lạc bộ cũng là một “kênh vốn” kịp thời giúp cho nhiều chị em trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Mặt khác, để giúp hội viên ngày càng gắn bó và học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình, các cấp Hội còn triển khai mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội Phụ nữ thôn Kinh với chi hội Phụ nữ làng Jrai; kết nghĩa giữa gia đình hội viên người Kinh với gia đình hội viên người Jrai”. Đến nay, toàn huyện có 85/93 thôn, làng đã tổ chức kết nghĩa; 54 đội sản xuất của các Công ty: 72, 74, 75 (Binh đoàn 15) kết nghĩa với 54 làng dân tộc thiểu số; 1.012 cặp gia đình hội viên được kết nghĩa… Qua mô hình kết nghĩa, các chi hội thôn Kinh và các hộ gia đình người Kinh đã giúp các chi hội đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình dân tộc thiểu số kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi; phát triển cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; xóa bỏ các tập tục lạc hậu; nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin những lời xúi giục của kẻ xấu, tích cực phòng-chống và tố giác tội phạm… Nhờ đó, đời sống của hội viên người dân tộc thiểu số nói riêng và hộ nghèo nói chung trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên, đã có 112 chị thoát nghèo từ mô hình này. Chủ tịch Hội LHPN huyện nhấn mạnh, các hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” của các cấp Hội trong nhiều năm qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của hội viên phụ nữ nghèo. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ nguồn vốn đã có tác động trực tiếp đến nhận thức của hội viên phụ nữ và xây dựng trong mỗi hội viên ý thức tiết kiệm để nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm