Phú Thiện đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, huyện Phú Thiện đã cơ bản khống chế được dịch sốt xuất huyết (SXH). 53 ổ dịch đã được xử lý và không phát hiện ca mắc SXH mới. Chính quyền huyện và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực nhằm dập tắt hoàn toàn bệnh SXH để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Từ đầu năm đến giữa tháng 9-2017, Phú Thiện được xem là “điểm nóng” khi có số người mắc SXH đứng thứ hai trong tỉnh, chỉ sau TP. Pleiku. Trên địa bàn huyện đã ghi nhận 294 trường hợp mắc SXH với 53 ổ dịch, tập trung tại thị trấn Phú Thiện và xã Ia Ake. Trong tháng 7 và 8, bệnh nhân SXH gia tăng đột biến với 113 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tại Phú Thiện tăng 1,54 lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng SXH bùng phát tại Phú Thiện được xác định là do điều kiện thời tiết diễn biến thất thường và thói quen tích trữ nước mưa để sử dụng của các hộ dân tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và gây bệnh; đồng thời, do người dân còn chưa chú trọng đến công tác dọn vệ sinh môi trường, phòng-chống SXH.

 

Huyện Phú Thiện cơ bản đã khống chế bệnh SXH. Ảnh: H.S

Theo bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, trước tình trạng bệnh nhân mắc SXH gia tăng và lây lan nhanh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện dập dịch như: cấp hóa chất, cử đoàn cán bộ xuống giám sát dịch tễ, hướng dẫn người dân cách dập dịch. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện. “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch ở người các cấp để tập trung nguồn lực vào dập dịch SXH và hỗ trợ 50 triệu đồng để mua hóa chất phun diệt muỗi gây bệnh. Mặt khác, Huyện ủy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay với ngành Y tế trong việc vận động người dân phát dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh. Nhờ vậy, công tác chống dịch được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao hơn”- bác sĩ Quang nói.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đội ngũ y tế của Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đã nỗ lực hết mình cho công tác dập dịch SXH trên địa bàn. Ban Y tế Dự phòng đã huy động toàn bộ lực lượng tổ chức dập dịch SXH. Nhân viên y tế tại Bệnh viện huyện phải làm việc hết công suất để phục vụ bệnh nhân. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không nghỉ lễ, làm cả thứ bảy và chủ nhật. Ban Y tế Dự phòng có 4 người thì cả 4 đều được huy động tập trung chống dịch. Từ mờ sáng chúng tôi đã đi đến các ổ dịch, đến tối mịt mới về nhà”-anh Đỗ Thế Mạnh-cán bộ chuyên trách SXH của Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, chia sẻ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền và nhân dân, đến nay, huyện Phú Thiện cơ bản đã khống chế được dịch SXH. Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, Phú Thiện không ghi nhận thêm trường hợp mắc SXH mới. Bệnh nhân cuối cùng được điều trị tại Bệnh viện huyện vì nghi mắc SXH đã xuất viện.

Mặc dù vậy, với điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, bệnh SXH cũng chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát. Đặc biệt, Phú Thiện là vùng trũng, nhiều ao hồ và thường xuyên có nước đọng sau mưa. Theo đó, để tự phòng-chống bệnh cho gia đình và cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện khuyến cáo người dân cần chủ động súc rửa, thả cá và có nắp đậy các dụng cụ chứa nước; thường xuyên tổ chức khơi các mương dẫn nước quanh nhà.

Các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải có nước đọng như: chai, mảnh chum vại bể, vỏ dừa, lốp xe ô tô và xe máy… để không cho muỗi đẻ trứng. Người dân nên chủ động mắc màn ngay cả ban ngày và hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phòng-chống bệnh SXH. Đối với các bệnh nhân khi có dấu hiệu nóng sốt, xuất hiện mẩn đỏ trên da cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị, từ đó cơ quan chức năng sớm phát hiện, khoanh vùng ổ dịch nhằm diệt trừ mầm bệnh từ đầu, tránh lây lan cho cộng đồng.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm