Phú Thiện nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào năm học mới 2017-2018, huyện Phú Thiện đang nỗ lực mở rộng mô hình trường bán trú, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp nhằm hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Nhân rộng mô hình bán trú

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Phú Thiện quản lý 42 đơn vị trường học (tăng 1 trường so với năm học trước) với 589 lớp, 16.638 học sinh; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có 902 người. Đáng chú ý, năm học này huyện Phú Thiện có gần 60% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát từ đặc điểm tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì xây dựng kế hoạch đầu tư mạnh cho việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.

 

Học sinh dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện được quan tâm giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện. Ảnh: Đ.P

Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho hay, để nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh ở các bậc học, thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, vừa qua, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình bán trú 2 buổi/ngày theo đặc thù của huyện giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Theo kế hoạch này, toàn huyện sẽ có 11 trường học triển khai mô hình bán trú, gồm 8 trường Tiểu học, 3 trường THCS. Ngoài ra, huyện đang có 3 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú và 1 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú được Nhà nước bao cấp hoặc hỗ trợ chế độ ăn cho học sinh.

Chính mô hình bán trú này sẽ giúp số đông học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số được học 2 buổi/ngày. “Xuất phát từ thực tế đặc điểm học sinh dân tộc thiểu số một buổi đến trường, một buổi ở nhà theo bố mẹ lên nương rẫy, hoặc tham gia lao động phụ giúp gia đình mà ít có điều kiện đầu tư cho việc học, dẫn đến nhiều học sinh bỏ học giữa chừng hoặc nghỉ học nhiều ngày trong năm… Vì thế, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số không có gì thiết thực hơn là tổ chức trường lớp bán trú, hỗ trợ chế độ ăn trưa cho học sinh nhằm giữ các em ở lại trường để giáo viên phụ đạo thêm tiếng Việt và Toán cho các em”-ông Ngô nói.

Để triển khai kế hoạch đó, UBND huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng bếp bán trú ở các nhà trường và tiếp tục duy trì bếp bán trú ở 6 trường học trước đây được chương trình SEQAP hỗ trợ kinh phí. Bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện, cho hay, ngoài những học sinh đã được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, kế hoạch của UBND huyện sẽ mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa bán trú bao gồm: học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mô côi cha/mẹ; học sinh con gia đình chính sách đang gặp khó khăn; học sinh tại các thôn có nhà ở cách điểm trường chính từ 2 km trở lên đối với Tiểu học và 3 km trở lên đối với THCS; học sinh thuộc diện hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ có việc làm không ổn định. Ngoài ra, các học sinh không thuộc đối tượng trên nhưng nếu phụ huynh có nhu cầu cho con ăn trưa tại trường thì thỏa thuận với nhà trường để tổ chức lớp bán trú.

Nội dung chương trình dạy học ở các lớp bán trú sẽ được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Các lớp bán trú sẽ được học 2 buổi/ngày đảm bảo 7 buổi/tuần đối với bậc Tiểu học và 8 buổi/tuần đối với bậc THCS. Các giáo viên sẽ tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Trong đó, tập trung ôn tập cho học sinh chưa hoàn thành ở bậc Tiểu học, học sinh yếu kém ở bậc THCS; tăng cường dạy tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các phong trào trong nhà trường phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhằm thu hút học sinh đến lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Các chế độ hỗ trợ đối với giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT”-bà Hoa cho biết.

Kinh phí để thực hiện chương trình bán trú chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa. “Ủy ban nhân dân huyện bỏ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất bếp ăn bán trú. Ủy ban nhân dân xã sẽ lo vận động quyên góp gạo đảm bảo duy trì bếp ăn; Hội Phụ nữ sẽ lo chuyện nấu nướng; còn nhà trường và các cơ quan, đơn vị, ban, ngành và tổ chức chính trị-xã hội của huyện sẽ phối hợp vận động quyên góp kinh phí để lo đồ ăn thức uống khác cho bữa cơm bán trú của học sinh…”-ông Ngô thông tin.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai) là một trong số các đơn vị trường học triển khai chương trình bán trú 2 buổi/ngày từ khá sớm của huyện Phú Thiện. Ông Hoàng Minh Thái-Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, năm học này trường có 9 lớp với 162 học sinh; trong đó có 2 lớp triển khai bán trú là lớp 4 và lớp 5 gồm 42 học sinh ở điểm trường chính. Các em được Nhà nước hỗ trợ 15 kg gạo/tháng và 40% mức lương cơ sở để phục vụ tiền ăn lớp bán trú. “Qua thực tế 4 năm triển khai lớp bán trú cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều. Cụ thể, trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm gần 10% thì 4 năm trở lại đây chỉ có 1-2%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tăng cao và công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững”-ông Thái cho biết thêm.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Phú Thiện đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng để xây thêm phòng học và công trình phụ trợ cho các trường. Ảnh: Đ.P

Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp

Xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai” nên cấp ủy, chính quyền huyện Phú Thiện đã quan tâm huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, tu sửa trường lớp, mua sắm trang-thiết bị, đồ dùng dạy học. Ông Nguyễn Khanh-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Phú Thiện, cho hay, năm 2017, huyện dành sự quan tâm đầu tư kinh phí lớn cho ngành GD-ĐT để kiên cố hóa, tầng hóa trường học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học và thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất, trường lớp ngành GD-ĐT trong chương trình xây dựng nông thôn mới. “Dù là huyện nghèo nhưng Phú Thiện đã cố gắng chi hơn 13 tỷ đồng giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện để xây dựng, bổ sung phòng học và các công trình phụ như: cổng, sân bê tông, tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh… cho 4 trường học. Ngoài ra, vốn sự nghiệp giáo dục và các nguồn khác giao cho các nhà trường để quét sơn, sửa chữa phòng học, khoan giếng nước, làm nhà vệ sinh; bổ sung bàn ghế, trang-thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường”-ông Khanh nói.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học hợp đồng với các đơn vị thi công triển khai các phần việc sửa chữa cơ sở vật chất gấp rút hoàn thành trong tháng 8 để các trường tổ chức dọn vệ sinh, sắp xếp bàn ghế cho ngày khai trường. Riêng đối với 4 công trình trường học được đầu tư xây mới và bổ sung phòng học với kinh phí lớn do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện thực hiện đã được triển khai gấp rút sau khi được phân khai vốn. Ông Nguyễn Khanh cho hay, do khối lượng công việc khá lớn nên đơn vị đã ưu tiên lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để ký hợp đồng thi công các công trình đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, kịp thời gian, tiến độ đề ra.

Những ngày này, tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Ia Hiao), hàng chục công nhân đang khẩn trương chạy đua với thời gian để xây dựng 1 dãy nhà 2 tầng có 8 phòng học và 1 nhà đa năng cùng các hạng mục phụ như: sân bê tông, công trình vệ sinh, nhà xe. Ông Trần Văn Giáo-Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt, đại diện cho liên danh nhà thầu thi công, cho hay: “Công trình có tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng. Đây là công trình có giá trị đầu tư lớn nhất phục vụ ngành GD-ĐT huyện năm 2017. Khối lượng công việc nhiều nên thời gian thi công kéo dài. Chính vì thế, liên danh nhà thầu chúng tôi vừa phải đảm bảo tiến độ công trình, đạt chất lượng và thẩm mỹ vừa phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên của trường trong quá trình thi công”.

Năm học mới đã bắt đầu. Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với ngành GD-ĐT và cả cộng đồng chắc chắn sẽ giúp sự nghiệp trồng người ở vùng khó Phú Thiện thêm khởi sắc.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm