Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phú Thiện nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Bận bịu với nương rẫy nhưng hơn 1 tháng nay, khi mặt trời vừa xuống núi cũng là lúc người dân 2 buôn Sô Ma Lơng A và Chrôh Pơnan (xã Chrôh Pơnan) tập trung trước sân trụ sở UBND xã để tập luyện cồng chiêng.

Bà con được các nghệ nhân hướng dẫn cách đeo chiêng, cầm nắm, gõ để tạo ra âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu bài nhạc chiêng. Ai nấy đều hăng hái, tích cực tập luyện. Âm vang cồng chiêng cứ thế vang vọng khắp buôn làng.

Anh Nay Phương (buôn Chrôh Pơnan) chia sẻ: Trước đây, bà con tự góp tiền mua 1 bộ cồng chiêng nhưng người biết đánh chiêng rất ít. Bản thân anh khi chưa tham gia lớp học cũng chỉ nghĩ đánh chiêng nghe cho hay. Nhưng càng học, anh càng hiểu thêm nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, càng bị lôi cuốn bởi sự đa dạng trong tiết tấu, phong phú trong từng giai điệu. Miệt mài tập luyện, đến nay, anh đã có thể tự tin trình diễn trước đám đông.

“Lớp học giúp tôi thêm yêu, thêm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đội cồng chiêng của xã có cơ hội tham gia nhiều hội thi, thể hiện những gì mình đã rèn luyện, học hỏi cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đoàn nghệ nhân khác”-anh Phương bộc bạch.

Thông qua các lớp học, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện tự tin trình diễn cồng chiêng tại lễ hội. Ảnh: N.H

Anh Nguyễn Đức Anh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Chrôh Pơnan-cho biết: “Năm 2023, xã tổ chức lớp cồng chiêng dành cho thanh-thiếu niên. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, năm nay, xã tổ chức thêm một lớp thu hút 28 học viên thuộc nhiều lứa tuổi. Điều này tạo nên tính kế thừa trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Cũng với mong muốn giữ gìn di sản văn hóa nhân loại, năm 2024, xã Ia Ake mở 2 lớp dạy cồng chiêng cho người dân 2 buôn Plei Lok và Glung Mơ Lan với 60 học viên. Kết thúc khóa học, các học viên không chỉ biết được đặc điểm, tính năng cồng chiêng, cách thể hiện mà còn hiểu được cách phân vai đảm nhiệm các nốt hay phối bè sao cho nhuần nhuyễn.

Như một sự đền đáp cho những nỗ lực tập luyện của bà con, xã đã được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp cho 1 bộ cồng chiêng ngay sau khi lớp học kết thúc để bà con thường xuyên tập luyện.

Chị Trần Minh Thanh-Công chức Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Ake-cho hay: Lớp học tổ chức vào buổi tối để không ảnh hưởng đến công việc của người dân. Điều đáng mừng là các học viên động viên nhau đi học đông đủ. Đây là động lực và là cơ sở để xã tiếp tục kiến nghị, đề xuất mở các lớp học nghề truyền thống trong thời gian tới.

Việc được tặng bộ chiêng ngay sau khi khóa học kết thúc là động lực để bà con tiếp tục tập luyện, nâng cao kỹ năng trình diễn cồng chiêng.

Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi được đầu tư, cải tạo góp phần quảng bá, phát triển du lịch địa phương. Ảnh: N.H

Từ nguồn vốn Tiểu dự án 3-Dự án 5 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức được 4 lớp dạy cồng chiêng cho người dân các xã: Chrôh Pơnan, Ia Ake và Chư A Thai.

Theo bà Bùi Thị Thanh Huyền-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện: Nếu như trước đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tập trung vào dạy các nghề trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp thì từ năm 2023 đến nay còn mở các lớp dạy cồng chiêng. Hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần lan tỏa tình yêu với nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Thiện được bố trí hơn 9,3 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa nhà văn hóa, mua sắm trang-thiết bị cho buôn Plei Gôk (xã Ia Piar), buôn Dlâm (xã Chư A Thai) và cải tạo cảnh quan Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi với các hạng mục đường vào khu di tích, hồ sen, nhà để xe; cấp 1 bộ cồng chiêng cho Câu lạc bộ Văn nghệ buôn Plei Ring Đáp, 1 hệ thống âm thanh cho buôn Plei Ơi.

Trao đổi với P.V, bà Kpă Loan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-nhấn mạnh: Từ nhiều nguồn lực khác nhau, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đi vào thực chất và hiệu quả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách gần xa, thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm