Phú Thiện: Quan tâm bảo vệ trường lớp trong hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi kết thúc năm học, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện có nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp trong dịp hè.

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu

Huyện Phú Thiện có 42 trường học và 70 điểm trường lẻ. Tại hội nghị giao ban của ngành vào cuối năm học 2017-2018, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã quán triệt, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Hiệu trưởng các trường trong việc bảo vệ, bảo quản tài sản trường lớp dịp hè.

 

Phòng học vi tính của Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan) được bảo vệ tốt trong dịp hè. Ảnh: Đ.P

Có mặt tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan) vào giữa tháng 6, chúng tôi thấy các phòng học được giữ nguyên bàn ghế, đóng cửa, niêm phong cẩn thận. Ông Bùi Văn Láng-Hiệu trưởng và ông Nguyễn Trọng Thịnh-nhân viên bảo vệ trường mở cửa phòng học vi tính cho chúng tôi quan sát. Hơn 20 bộ máy vi tính của học sinh được kê trên 2 dãy bàn ngay giữa phòng học và phủ vải che chắn cẩn thận. “Phải kê vào giữa phòng, tránh xa cửa sổ để phòng mưa gió, bụi hắt vào. Năm nào cũng giữ cẩn thận như thế nên dù được trang bị hơn 5 năm rồi mà dàn máy vi tính vẫn sử dụng tốt”-ông Láng nói.

Ngay sau buổi tổng kết năm học, các phòng học của Trường THCS Nguyễn Du được giữ nguyên hiện trạng bàn ghế, đóng cửa và dán niêm phong. Tất cả thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở được kiểm kê, bỏ vào tủ gọn gàng, che chắn cẩn thận đề phòng mưa gió, hư hỏng rồi lập biên bản bàn giao cho bảo vệ trường. “Trong 3 tháng hè, nhà trường xếp lịch trực cho Ban Giám hiệu và tổ trưởng bộ môn để phối hợp với bảo vệ trường giải quyết các vấn đề phát sinh”-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho hay.

Ở huyện Phú Thiện, tất cả các trường học đều hợp đồng nhân viên bảo vệ trông coi tài sản trong suốt năm học và cả dịp hè. Cùng với đó, các trường xếp lịch phân công các thành viên trong Ban Giám hiệu, tổ trưởng bộ môn luân phiên trực phối hợp với nhân viên bảo vệ, chính quyền địa phương bảo quản tốt cơ sở vật chất trường lớp.

Phát huy vai trò của trưởng thôn, già làng

Phú Thiện có địa bàn rộng, khoảng cách từ nhiều làng đến trung tâm xã khá xa nên học sinh khó có thể đến điểm trường chính để theo học. Chính vì thế, huyện có đến 70 điểm trường lẻ tại thôn làng. Một trong những phương án hiệu quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo huyện áp dụng nhiều năm nay là xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp dịp hè. “Những điểm trường lẻ chính là nơi cần  đặc biệt quan tâm bảo vệ. Bởi lẽ, phần lớn các điểm trường này không có bảo vệ túc trực, các lớp học không có tường rào. Do đó, nếu không nhờ tới dân làng thì khó có thể đảm bảo cơ sở vật chất sau mỗi dịp hè”-bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, cho biết.

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Piar) có 1 điểm trường lẻ gồm 4 phòng học tại thôn Rbai B. Ông Nay Kuôn-Trưởng thôn Rbai B, cho hay, năm nào cũng vậy, khi học sinh sắp sửa nghỉ hè, nhà trường cùng với thôn đều ký cam kết bảo vệ trường lớp. “Mình nhận bàn giao từ nhà trường rồi tổ chức họp dân làng để tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ trường lớp, không để xảy ra trộm cắp. Các gia đình cam kết không thả trâu bò, heo, dê trong khu vực trường. Người lớn răn dạy các em nhỏ không được vẽ bậy lên tường lớp học, làm vỡ cửa kính, hư hỏng bàn ghế”-ông Nay Kuôn nói.

Xã Ia Piar có 4 trường học. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Phương cho hay, để bảo vệ cơ sở vật chất các trường, Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp tổ chức ký kết giữa các thôn, làng; tuyên truyền, vận động bà con chung tay bảo vệ trường lớp, không để xảy ra trộm cắp, hư hại tài sản. Tuy nhiên, vẫn có nơi như Trường THCS Ngô Gia Tự, toàn bộ hàng rào bảo vệ, cổng trường bị xuống cấp, hư hỏng, không có tác dụng bảo vệ nên thi thoảng bò, heo của người dân đi lạc vào ủi phá vườn hoa, cây xanh trong khuôn viên trường.

Thực tế cho thấy, những đơn vị trường học mà người đứng đầu quan tâm sát sao đến công tác bảo vệ tài sản, giữ gìn cảnh quan môi trường trong kỳ nghỉ hè thì sang đầu năm học mới sẽ ít hư hao, giảm thiểu chi phí sửa chữa, mua sắm bổ sung trang-thiết bị, đồ dùng dạy học. Công tác triển khai năm học mới nhờ đó cũng thuận lợi hơn.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm