Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện xây dựng thương hiệu sản phẩm dược liệu sấy khô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, gia đình anh Đoàn Văn Giáp (nhà số 48 Nguyễn Trãi, thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dược liệu sấy khô, tạo đầu ra ổn định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Anh Giáp cho biết, những loài cây dược liệu như đu đủ, khổ qua, sâm bố chính… là món ăn, thức uống phổ biến của gia đình anh cũng như hầu hết người dân trong vùng bởi có nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Năm 2018, anh Giáp cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hường mở cơ sở thu mua sản phẩm dược liệu tại thôn Thắng Lợi 2 (xã Ia Sol).

Hệ thống lò sấy do anh Đoàn Văn Giáp tự thiết kế với lượng nhiệt vừa đủ, giúp giữ được dược tính và hương vị đặc trưng của sản phẩm. Ảnh: V.C

Hệ thống lò sấy do anh Đoàn Văn Giáp tự thiết kế với lượng nhiệt vừa đủ, giúp giữ được dược tính và hương vị đặc trưng của sản phẩm. Ảnh: V.C

Theo anh Giáp, hoa đu đủ đực, khổ qua rừng, sâm bố chính đều là những dược liệu tự nhiên, do người dân thu hái từ rừng về hay tự trồng trong vườn nhà mà không sử dụng bất cứ loại phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật nào nên dược tính tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sau 1 năm thu mua, anh nhận thấy các sản phẩm khi bán tươi có hạn chế như không bảo quản được lâu, tốn chi phí vận chuyển. Khi mua về sử dụng, người dùng phải rửa sạch, dùng ấm sắc thuốc nấu mất khá nhiều thời gian. Sản phẩm không có bao bì, nhãn mác khiến nhiều người tiêu dùng ít nhiều e ngại.

Với quyết tâm đưa sản phẩm dược liệu địa phương vươn xa, năm 2019, vợ chồng anh Giáp đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 100 m2 chế biến sản phẩm dược liệu sấy khô. Anh còn đầu tư hệ thống máy móc gồm máy rửa, máy thái, máy sấy để tiết kiệm thời gian và giảm bớt chi phí thuê nhân công. Đồng thời, anh mày mò thiết kế lò sấy đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm. Sản phẩm hoa đu đủ đực sấy khô, khổ qua rừng sấy khô và sâm bố chính sấy khô của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hường chính thức ra mắt thị trường từ đó, mang lại doanh thu cho gia đình trên 1 tỷ đồng/năm.

Anh Giáp cho hay: Trung bình khoảng 7 kg sâm bố chính tươi thì chế biến được 1 kg sấy khô và khoảng 9-10 kg hoa đu đủ đực và khổ qua rừng tươi chế biến được 1 kg sấy khô. Thời gian sấy kéo dài 14-20 giờ/lượt với lượng nhiệt duy trì mức 50-60 độ C nên sản phẩm được cô đặc từ từ, không bị mất đi dược tính và giữ được mùi vị đặc trưng. Thời gian sử dụng có thể kéo dài hơn 1 năm, thuận tiện cho người sử dụng.

“Hiện mỗi tháng, cơ sở của gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg hoa đu đủ đực, 200 kg sâm bố chính và 100 kg khổ qua rừng sấy khô. Với giá bán hiện tại 320 ngàn đồng/kg hoa đu đủ đực, 180 ngàn đồng/kg khổ qua và 500 ngàn đồng/kg sâm bố chính sấy khô, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi lãi trên 150 triệu đồng”-anh Giáp chia sẻ.

Cũng theo anh Giáp, nếu như sản phẩm sâm bố chính và khổ qua rừng đảm bảo nguồn nguyên liệu đều đặn quanh năm thì hoa đu đủ đực chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa khô, hoa đu đủ đực rất hiếm nên giá sản phẩm sấy khô cũng tăng lên mức 500-600 ngàn đồng/kg. Hiện nay, do cung không đủ cầu nên sản phẩm của cơ sở ra lò bao nhiêu là xuất bán bấy nhiêu, chủ yếu tại các tỉnh, thành như: Kon Tum, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…

Với việc đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, anh Giáp hy vọng mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Chi

Với việc đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, anh Giáp hy vọng mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Chi

Nhằm đánh giá sự thích nghi của thổ nhưỡng và khí hậu địa phương với một số cây dược liệu, anh Giáp sử dụng 3.000 m2 đất vườn của gia đình để thử nghiệm. Từ hiệu quả mô hình trồng cây đu đủ đực, khổ qua rừng mang lại, nhiều người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số học tập làm theo, đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững và tạo điều kiện để cơ sở mở rộng sản xuất. Năm 2023, anh Giáp đăng ký sản phẩm của cơ sở tham gia Chương trình OCOP.

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Năm 2023, huyện có 15 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh một số sản phẩm truyền thống như lúa gạo, năm nay xuất hiện nhiều sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm dược liệu sấy khô. Huyện cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cũng như làm cầu nối trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện do tỉnh, huyện tổ chức, qua đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng cũng như mở ra hướng đi mới cho địa phương.

Có thể bạn quan tâm