Pleiku: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình phải gánh chịu, những năm qua, công tác chăm lo cho đối tượng này luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn TP. Pleiku nói chung, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng quan tâm bằng những hành động thiết thực.

Thành phố Pleiku có khoảng 1.150 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến tháng 4-1975 (chiếm 0,5% dân số). Hầu hết nạn nhân chất độc da cam là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và cán bộ dân chính tham gia phục vụ, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số đó, có 896 nạn nhân trực tiếp (đến nay có 692 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng) và 254 người là nạn nhân gián tiếp-thế hệ thứ 2 (155 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng); tổng số người được hưởng chế độ chiếm 73,6% số người bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

 

Được hỗ trợ xây nhà, anh Cao Ngọc Tấn-con trai bà Lành đã có mặt bằng tươm tất mở tiệm cắt tóc. Ảnh: N.N

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Pleiku, hơn 5 năm qua, các cấp Hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và chủ động trong hoạt động với phương châm “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, nỗi đau thế kỷ”. Việc vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, các tập thể, cá nhân và nhà hảo tâm ủng hộ “Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam” được triển khai tích cực. Qua đó, các cấp Hội đã vận động được 453 triệu đồng (cả hiện vật và tiền mặt) góp phần chăm lo về mặt vật chất, động viên về mặt tinh thần đối với các nạn nhân. Nhiều đơn vị có đóng góp tích cực, điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Gia Lai, Cục Chính trị Quân đoàn 3, tịnh xá Ngọc Cổ…

Từ nguồn kinh phí trên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Pleiku đã tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam và gia đình. Trong hơn 5 năm qua, Hội đã thăm hỏi, tặng quà cho 5.400 lượt trường hợp với số tiền 1,13 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà cho 3 gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 130 triệu đồng; sửa chữa nhà dột nát cho 5 hộ với tổng số tiền 150 triệu đồng…

Bà Nguyễn Thị Lành (tổ 8, phường Thắng Lợi) có chồng đã mất và con là nạn nhân chất độc da cam. Bà Lành vốn sống trong căn nhà dột nát nhiều năm nhưng không có tiền sửa chữa. Nhờ sự vận động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố, gia đình bà được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai hỗ trợ 40 triệu đồng để xây lại căn nhà. Bà Lành chia sẻ: “Con tôi bị di chứng bởi chất độc da cam, nói không rõ lời. Được các bác trong Hội thường xuống thăm hỏi, động viên, cháu đã theo học và học thành nghề cắt tóc. Cũng nhờ có căn nhà tươm tất mà cháu đã có chỗ để mở tiệm cắt tóc, kiếm tiền chăm lo lại cho gia đình”.

Cũng được hỗ trợ xây nhà, gia đình anh Phan Đình Huy (tổ 2, phường Thắng Lợi) hết sức phấn khởi. Ông Phan Tuấn (cha anh Huy) xúc động cho biết: “Vợ chồng tôi có 6 đứa con thì 4 đứa bị di chứng chất độc da cam. Trong đó,  3 đứa bị mù bẩm sinh; đứa  thứ tư học xong cao đẳng có việc làm thì mắt bị mờ rồi mù hẳn. 3 đứa bị mù bẩm sinh được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện học nghề massage, bấm huyệt. Riêng cháu Huy hiện đang làm việc tại tỉnh Bình Dương, thu nhập từ nghề massage, bấm huyệt chỉ đủ gia đình cơm cháo qua ngày. Cũng nhờ có Hội quan tâm mà gia đình cháu mới có căn nhà như hiện nay. Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố chia sẻ: Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn đứng chân nên có điều kiện vận động ủng hộ xây dựng quỹ Hội. Thời gian tới, ngoài các hoạt động thường niên, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác vận động nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội chăm lo, chia sẻ nhiều hơn với các nạn nhân và gia đình.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm