(GLO)- Dù chưa phải là nét đặc trưng như hẻm phố Sài Gòn hay ngõ nhỏ Hà Nội, nhưng những con hẻm dốc sâu, dài hun hút của Phố núi Pleiku cũng “để thương để nhớ” cho bao người với những cung bậc cuộc sống của dân cư phố thị.
Ấm áp tình thân
Là người đầu tiên cất nhà tại hẻm số 9 Sư Vạn Hạnh (phường Hội Thương) vào năm 1949, ông Nguyễn Nghè kể: “Khi tôi chuyển từ An Khê đến, ở đây vẫn còn là rừng núi hoang vu, chưa có ai ở cả. Trước đây, con hẻm này là mương nước sâu lắm. Dần dần, người dân từ khắp nơi kéo về quần tụ và giờ là nơi sinh sống của 30 gia đình. Hẻm đông đúc, chật chội, còn nhiều khó khăn nhưng bà con sống gần gũi, thân tình”.
Một con hẻm ở TP. Pleiku. Ảnh: DUY LÊ |
Đường hẻm nhỏ hẹp, chỉ cần bước chân ra đường đã chạm mặt nên dường như ai cũng biết nhau. Cư dân ở đây đã quen thuộc với nếp sống trong những con hẻm chật hẹp chưa đầy 1 m giữa lòng phố phường nhộn nhịp. Ông Đào Thanh Quang sống tại hẻm 300/10/11 Hùng Vương (tổ 1, phường Hội Thương) từ khi còn nhỏ. Vì thế, từng lối đi, từng gia đình sống trong con hẻm với ông đều rất thân thuộc. Ông chia sẻ: “Dù cách đường Hùng Vương không bao xa nhưng cuộc sống trong hẻm không vội vàng, tất bật, ồn ào mà rất thanh bình, dung dị”. Vợ ông Quang mở một tiệm tạp hóa nhỏ, bán phục vụ các nhà xung quanh. Trong khoảng sân nhỏ chừng 8 m2, ông Quang đặt 3 bộ bàn ghế nhựa. Những ngày chưa thực hiện giãn cách xã hội, sáng nào ông cũng bán thêm được vài ly cà phê cho bà con lối xóm. Ở đây, hàng xóm láng giềng thân thiết như người một nhà. Niềm vui, nỗi buồn luôn được mọi người chia sẻ.
Cũng là một trong những cư dân có hàng chục năm gắn bó với con hẻm 300 Hùng Vương, bà Nguyễn Thị Bích bộc bạch: Năm 1975, gia đình bà tìm đến hẻm này định cư. Năm 1980, bà mở quán bán đồ ăn sáng, không gian vỏn vẹn 4 m2, vách thưng bằng ván, mái lợp tôn và 2 bộ bàn ghế cũ kỹ. Khách chủ yếu là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vậy nên, quán nhỏ của bà trở thành nơi khởi động ngày mới của nhiều gia đình sống trong con hẻm nhỏ này. “Hàng ngày, tui bán mỗi món một chút, từ bún, phở đến mì Quảng. Bữa nào bán đắt thì 9 giờ là hết, muộn thì đến trưa”-bà Bích móm mém cười khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt xích lại gần hơn.
Chỉ xoay mặt đi, khác với mặt phố đông đúc, sầm uất, người ta đã chìm đắm vào những bức tường đá rêu phong, con đường bê tông nhỏ hẹp chạy qua những ngôi nhà cấp 4 có cánh cửa gỗ cũ kỹ, nước sơn bong tróc. Xen vào đó là khung cảnh yên bình của cành hoa giấy vươn lên trên chiếc cổng nhỏ, cửa tiệm tạp hóa lấp ló bên trong một căn nhà nhỏ, chiếc sạp bày bán vài miếng thịt, con cá, bó rau hay là con đường dốc đứng, quanh co, uốn lượn dẫn đến cánh đồng lúa xanh ngát. Những con hẻm nhỏ giữa phố phường vì thế mà đem lại cảm giác thanh bình.
Hẻm nhỏ, phận nhỏ
Con hẻm 254 Hùng Vương dốc đứng, bề rộng chưa đầy 1 m, càng xuống dưới càng hẹp, chỉ vừa đủ cho người đi bộ. Phía cuối hẻm là 3 ngôi nhà nhỏ san sát, chung một khoảng sân rộng chừng 2 m2. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Cường mua lại ngôi nhà trong hẻm này với giá 180 triệu đồng. Ngôi nhà vỏn vẹn 35 m2 là nơi ở của ông cùng con gái và mẹ già 84 tuổi. Bên trong vật dụng giá trị nhất là chiếc quạt điện treo tường. Phương tiện tối thiểu như xe máy, ti vi cũng không có. “Tôi làm nghề lái xe khách tuyến Đak Lak-TP. Hồ Chí Minh. Những tháng bình thường thu nhập cũng đủ để chi tiêu cuộc sống gia đình. Tháng này thực hiện cách ly xã hội, xe khách không chạy, tôi gần như không có thu nhập. Ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ trong túi còn 900 ngàn đồng để chi tiêu cho cả gia đình. Biết là khó khăn chung nên tôi cũng ráng xoay xở, đợi ngày đi làm trở lại”-ông Cường bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích bán đồ ăn sáng trong hẻm 300 Hùng Vương đã gần 4 thập kỷ. Ảnh: P.L |
Thời gian này, gia đình bà Lê Thị Phải (cùng hẻm 254 Hùng Vương) cũng phải tằn tiện hết sức có thể. 2 năm trước, chồng bà qua đời vị bạo bệnh. Cách đây không lâu, một người con trai của bà cũng mất vì bị tai biến. Bà Phải lại vừa trải qua một trận tai biến tê liệt chân tay, không thể lao động. Nguồn thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào tiền công ít ỏi phụ quán cà phê của vợ chồng người con trai út. “Tháng này tụi nhỏ cũng đâu đi làm vì quán cà phê đóng cửa. Thu nhập không có. Chi tiêu ăn uống hàng ngày đều gặp khó khăn. Mấy chị em cùng hoàn cảnh trong xóm cứ nghe ở đâu có phát gạo miễn phí thì nhắn nhau đến nhận”-bà Phải tâm sự.
Cũng tại đường Hùng Vương, con hẻm nhỏ tiếp tục dẫn chúng tôi ngang qua những căn nhà cấp 4 nhỏ xíu, chật chội. Bà Trần Thị Thành (hẻm 313/11 Hùng Vương, tổ 5, phường Hội Thương) sống cùng con cháu trong ngôi nhà chỉ khoảng 36 m2. Bà bộc bạch: “Trước đây, mọi người phần đa làm phụ hồ, đi bán kem dạo, thu mua ve chai hay bán vé số để kiếm sống qua ngày. Đất đai không có thì đâu có làm ruộng nương gì được. Con cái lớn lên đứa thì theo nghề bố mẹ, khá hơn thì chúng đi làm ăn xa, cất nhà ở nơi rộng rãi. Tôi già rồi, tranh thủ đi rửa chén bát thuê, ngày kiếm vài chục ngàn đủ đi chợ đỡ đần cho con cháu”.
Ở con hẻm số 32 Chi Lăng (phường Hoa Lư), bà Hồ Thị Xuân Hương dù đã 86 tuổi nhưng ngày ngày vẫn cặm cụi gọt, bào từng củ nghệ, bắp chuối, làm rau để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chồng mất sớm, một mình bà gồng gánh bán buôn nuôi con. Bà chia sẻ: “Tôi chủ yếu sống nhờ buôn bán, tính ra cũng đã gần 40 năm rồi. Bây giờ già yếu thì ở cùng gia đình con trai. Vợ chồng nó trồng rau rồi bỏ mối cho hàng quán. Mỗi ngày cũng chỉ kiếm đủ tiền để đi chợ, lo ăn uống cho cả nhà”.
Khó khăn còn đó
Từ mặt đường Hùng Vương, chúng tôi ngoặt xe vào con hẻm 300 nhỏ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy di chuyển. Vừa vào đầu hẻm đã gặp ngay con dốc. Chiếc xe trôi tuột theo quán tính qua nhiều ngõ ngách, lướt qua những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Có những con hẻm nhỏ đến nỗi tưởng như chỉ cần một bước chân đã có thể đến được 2 nhà đối diện nhau. Thấy chúng tôi tò mò về “lai lịch” của con hẻm, ông Quang liền giải đáp: “Những con hẻm dọc đường Hùng Vương có từ thời Pháp. Người dân từ mọi miền đến sinh sống chọn nơi gần nguồn nước, tránh xa mặt đường Hùng Vương (trước đây là đường Hoàng Diệu) đầy khói bụi. Thời gian trôi qua, thành phố dần nên hình hài, nhà cửa mọc lên, ken chặt, nối dài thêm cho những con hẻm. Muốn sửa lại nhà cũng khó vì kinh tế hạn hẹp, hơn nữa đường hẻm nhỏ quá không có chỗ để vật liệu”. Theo lời ông Quang, hẻm này chỉ có xe ba gác đi vừa. Phải mất 3 chuyến xe mới chở được một khối cát vào hẻm. Mỗi lượt như vậy công chở hết khoảng 80 ngàn đồng. Kinh phí để sửa sang hay xây nhà ở trong hẻm vì thế cũng đội lên gấp 3-4 lần so với bình thường. Vậy nên, bao lâu nay mọi người trong con hẻm này vẫn chấp nhận sống trong những ngôi nhà cũ kỹ, xập xệ.
Một góc xanh yên bình trong hẻm nhỏ của gia đình ông Quang. Ảnh: P.L |
Không riêng việc xây cất nhà cửa mà mọi sinh hoạt khác đều bị ảnh hưởng. Di chuyển, đi lại trong hẻm khá bất tiện. Hai xe máy đi ngược chiều đã kẹt đường. “Mỗi khi đau ốm đột xuất gọi xe cấp cứu hay taxi đâu có vào hẻm được, bà con phải nhờ một người chở bằng xe máy ra ngoài đầu đường. Khổ nhất là khi gia đình có tang ma. Ngõ hẹp, đường hẹp khiêng chiếc quan tài ra tới đường lớn là cả một vấn đề”-bà Bích bộc bạch. Cùng tâm trạng, bà Thành nói: “May mà mấy chục năm ở đây chưa có vấn đề gì xảy ra, chứ rủi hỏa hoạn thì không biết làm sao xe cứu hỏa vào tới được. Biết vậy nên chúng tôi vẫn thường nhắc nhau, trước khi đi ra ngoài phải kiểm tra thật cẩn thận điện đóm, bếp núc”.
Dọc trên các tuyến đường lớn như Hùng Vương, Lê Lợi, Phùng Hưng, Phạm Văn Đồng, Chi Lăng, Tôn Thất Thuyết… hiện có hàng trăm con hẻm nhỏ lắt léo. Có những lối đi chỉ vừa cho người đi bộ, xe máy không thể đi được. Hàng ngàn hộ dân sống ở đây ngày ngày thức dậy cùng với muôn mối lo toan, từ cơm, áo, gạo, tiền đến hỏa hoạn, cháy nổ, nguồn nước ô nhiễm. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Quang nửa đùa nửa thật: “Thanh niên ở xóm này ai cũng sợ ế. Vì cứ dẫn người yêu về đi qua vài con hẻm, vào thăm nhà thấy chật chội thì lần sau không thấy đến nữa”. Vậy nên, việc con hẻm được mở rộng là điều mong mỏi của những cư dân nơi này. Còn bà Hương thì bộc bạch: “Bây giờ hẻm 32 Chi Lăng đã có nhiều người đến ở. Đường bê tông là do mọi người tự làm chắp vá. Tôi chỉ mong đường hẻm được mở rộng một chút để việc đi lại cũng như các hoạt động khác của người dân trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn”.
PHƯƠNG LINH