Đô thị

Pleiku: Đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết xây dựng đô thị văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thành phố Pleiku có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ DTTS chiếm 13,23%. Những năm qua, bà con các dân tộc luôn đoàn kết, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xác định công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, TP. Pleiku đã lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho các DTTS nâng cao đời sống.

Đến nay, tất cả 37 làng DTTS có đường nhựa đến trung tâm; 100% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%; đời sống của đại đa số người dân không ngừng cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku luôn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: P.D

Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku luôn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: P.D

Đặc biệt, người dân các làng đồng bào DTTS đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm bằng việc lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông HMyưng (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) cho biết: “Gia đình mình nuôi 5 con heo nái, mỗi năm sinh sản 2-3 lứa, mỗi lứa 10-11 con. Nuôi một thời gian, mình bán heo giống, giá dao động từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con”.

Gia đình ông HMyưng làm hầm biogas chứa chất thải chăn nuôi dùng làm chất đốt và bón cho 1,3 ha cà phê, 5 sào lúa nước. Từ mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm, gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku: Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Trong 5 năm (2019-2024), Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động người dân đóng góp trên 25,5 tỷ đồng, hơn 10.000 ngày công và hiến gần 40.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; xây dựng 23 mô hình tổ dân phố điện tử, 16 mô hình khu dân cư điện tử, 28 thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu, 9 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 39 mô hình khuyến nông, khuyến công; qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Hiện 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới; cuối năm 2023, có 27 làng đạt danh hiệu làng văn hóa 5 năm liền và 10 làng đạt danh hiệu làng văn hóa 12 năm liền.

Làng Bong Phrâo (xã An Phú) có trên 95% dân số là người DTTS, được công nhận đạt chuẩn làng nông thôn mới vào cuối năm 2021. Hiện nay, hệ thống đường giao thông của làng được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 85% và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%.

Bà Âu-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng-thông tin: Làng có 5 hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Các hộ dân đều chú trọng chỉnh trang, xây dựng tường rào, cổng ngõ và trồng cây xanh, trồng hoa quanh nhà tạo bóng mát, cảnh quan môi trường. Bà con tích cực thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đường cờ Tổ quốc ở làng Bông Phrâo, xã An Phú. Ảnh: Phương Dung

Đường cờ Tổ quốc ở làng Bông Phrâo, xã An Phú. Ảnh: Phương Dung

Qua thống kê, 37/37 làng trên địa bàn thành phố có nhà sinh hoạt cộng đồng và 31 đội cồng chiêng; các cơ sở dạy nghề truyền thống như: tạc tượng, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... duy trì gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần lưu giữ, bảo tồn những ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo là 0,82% (hộ nghèo DTTS là 3,33%); đến năm 2024 giảm còn 0,24% (hộ nghèo DTTS giảm còn 1,29%).

Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân và củng cố khối đại đoàn kết trong đồng bào DTTS, tại Đại hội đại biểu các DTTS thành phố lần thứ IV-2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Cụ thể hóa nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; ưu tiên phát triển toàn diện, phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo nguồn lực cho phát triển và tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Có thể bạn quan tâm