Điểm đến Gia Lai

Pleiku: Những dấu ấn thuở sơ khai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 90 năm là cái mốc thành lập tỉnh Gia Lai, tuy thế, thị tứ Pleiku còn “già hơn” những 3 năm tuổi!
Lúc gia đình tôi đến Pleiku ở tạm nhà thuê trong con hẻm sau nhà làng của xã Hội Thương-Hội Phú thì tôi mới 6 tuổi. Thị xã lúc ấy dưới con mắt trẻ thơ có vẻ như hiền hòa và khá thanh bình nên qua đến ngày thứ nhì tôi đã thoải mái ra phố.
Ấn tượng đầu tiên là phố xá với những hiệu buôn vải của người Chà Và cùng 2 hàng thông xanh cao rợp mát ven đường. Đi lên thêm vài trăm mét, tại ngã ba Ty Bưu điện tôi bắt gặp những cây gạo (trong khu vực nhà máy nước thị xã sau này). Khi có cơn giông chuyển mưa, bông gạo bay rợp trời, thứ mà nhà thơ Kim Tuấn viết là “hoa vông rừng tuyết trắng”.
Ít ngày sau, tôi cùng đám bạn xấp xỉ tuổi mình tha thẩn lên xóm Am Bà để xem các bà “hầu đồng”. Đây là điện thờ các Mẫu nhưng người dân quen miệng vẫn cứ gọi là “am”. Cái am này, theo tôi biết là đã có từ trước khi thành lập tỉnh Pleiku năm 1932. Khi Ty Công chính làm đường, cây sung đã khá lâu năm nên to cao bề thế lại có trang thờ dưới gốc cây nên họ làm 2 nhánh rẽ 2 bên cây chứ không chặt hạ nó. Tiếc là đến khoảng năm 1994-1996, khi nâng cấp đường sá nội thị, do giải pháp thi công chưa hợp lý nên cả am và cây đều không còn. Dưới bóng mát của cây sung, phía sau Am Bà là cái bơm tay kiểu “dinh điền” luôn xếp đầy những thùng thiếc 20 lít để chờ đến lượt bơm đầy nước mà gánh về dùng.
Cuối tuần, bọn nhóc chúng tôi thường rủ nhau ra rạp Diệp Kính xem phim ké không tốn tiền mua vé, gọi là coi “cọp”. Cứ đến khoảng hơn nửa phim thì họ thường mở cửa cho bọn trẻ con vào xem thoải mái. Có hôm chờ để được vào xem, quanh quẩn trước rạp, tôi tò mò xem kỹ cái cột mốc cây số trồng trong bùng binh và sát mép đường Lê Lợi thì thấy họ đề dòng chữ “Pleiku 0 KM”. Mãi đến 60 năm sau, tôi mới đọc được tài liệu của Pháp ghi lại: Nghị định ký ngày 3-12-1929 thành lập thị tứ Pleiku trên phần đất của 2 làng Hội Thương và Hội Phú, trong đó ghi rõ “Cột mốc số 0, đặt tại phần đất bao quanh bởi: đường đi Sê-San (đường Lê Lợi hiện nay), đường đi đến tòa nhà Công sứ tỉnh (tức đường Quang Trung), đường nội thị số IV (đường Phan Chu Trinh trước 1975, nay là đoạn cuối đường Quang Trung) và đường đi đến nhà Bưu điện-Điện tín (tức đường Hùng Vương bây giờ)”. Đáng tiếc là sau nhiều lần cải tạo bùng binh, cái cột mốc ấy nay không còn nữa!
Ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: Ngọc Thu
Ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: Ngọc Thu
Thuở ấy vui chơi ngày Tết, ngày lễ cũng đơn giản, ít tốn kém. Mọi người thường ra bến xe lam Diệp Kính rồi lên xe ra chơi thắng cảnh Biển Hồ. Bác tài xe lam sẽ hỏi đi Biển Hồ nước hay Biển Hồ chè? Biển Hồ nước là đi chơi hồ Tơ Nưng (tức Biển Hồ); còn Biển Hồ chè là đi chơi thăm đồn điền chè và 2 hàng thông trên đường vào nhà máy chế biến chè. Ông Van Manen-Giám đốc đầu tiên của đồn điền này là người Hà Lan. Cùng với 2 đồng hương và 3 người Pháp, ngày 28-5-1925, ông đặt chân đến Pleiku để làm công tác xây dựng cơ bản cho đồn điền chè Biển Hồ. Công việc của họ gồm chọn giống chè để ươm, làm nhà xưởng và quy hoạch trồng cây tạo cảnh quan, trong đó có 2 hàng thông. Cứ cho là ông ta trồng thông ngay trong năm 1925 thì đến nay tuổi của cây phải 3 năm nữa mới đủ 100.
Do ông Van Manen có mặt tại Pleiku sớm hơn các thực dân đồn điền khác nên khi nhóm tư bản Pháp lập tiếp đồn điền Ia Puch (Catecka) tháng 10-1925 thì họ đã thuê ông ta làm công tác xây dựng cơ bản cho nơi này. Và thế là một nhà máy chế biến có kiểu dáng tương tự với cái đã có ở trà Biển Hồ, cũng với 2 hàng thông trên đường vào nhà máy cũng được trồng. Nhưng đáng tiếc, sau năm 1975, dân cư quanh vùng đã chặt hết, nếu không thì nó và những cây muồng nở rộ cũng sẽ là điểm du lịch của khách phương xa hoặc là nơi các bạn trẻ chọn chụp hình ngoại cảnh cho album cưới của mình.
Ngoài hương vị trà thơm ngon đặc biệt được ưa chuộng cả ở Pháp, Anh (và thị trường một số nước Đông Âu sau năm 1975), Catecka còn sở hữu một thác nước đẹp với nhà máy thủy điện có công suất 172 kW xây dựng từ năm 1950 (mặc dù ông Choisnel-Chủ sở trà đề xuất làm từ năm 1930 nhưng 20 năm sau mới thành hiện thực), trên tường nhà máy vẫn còn lưu dấu. Kể riêng trong khu vực cao nguyên miền Trung về độ già nua thì nhà máy này chỉ xếp sau Thủy điện Ea Nao ở Buôn Ma Thuột (phát điện thương mại từ ngày 1-8-1934) và Thủy điện Ankroet ở Đà Lạt (phát điện năm 1945). Nhưng vấn đề là nó có thể được lập hồ sơ kỷ lục Guiness vì đến nay, sau hơn 70 năm vẫn còn hoạt động phát điện bằng cái tua bin chế tạo năm 1949. Trong khi đó, Thủy điện Ea Nao đã hỏng từ lâu, còn Nhà máy Ankroet chỉ trưng bày được cái bánh xe công tác trên bệ lưu niệm và 2 cỗ tua bin Althoms xưa bỏ ngoài sân bãi, còn trong nhà máy các tua bin đã được thay mới toàn bộ.
Các kiến trúc xưa, công trình cũ mang dấu ấn từ thời sơ khai mới lập thị tứ như: nhà đèn, lò Ba-toa, tòa Công sứ, tháp nước 40 khối nước… nay gần như không còn. Chỉ sót lại ngôi nhà ở của Công sứ Pháp tại góc đường Hoàng Hoa Thám-Hai Bà Trưng (nay là phòng họp trực tuyến của Hội trường 2-9) và Nhà máy Thủy điện Bàu Cạn là một vài nét xưa hiếm hoi còn lưu dấu.
KIÊN HOÀNG

Có thể bạn quan tâm