(GLO)- Thay vì chỉ hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức như chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, Chương trình “Hàng Việt về miền núi” hỗ trợ 100% cho doanh nghiệp tham gia phiên chợ. Đây là cách thu hút doanh nghiệp tham gia quảng bá, phát triển thị trường hàng Việt tại khu vực miền núi, biên giới, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Cùng chồng và con trai có mặt tại phiên chợ “Hàng Việt về miền núi” tổ chức tại chợ thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ) từ khá sớm, chị Nguyễn Thị Bông (222 Lý Thái Tổ, thị trấn Đak Pơ) cho biết: “Nghe có phiên chợ về đây, vợ chồng mình liền cho con đi. Nói thật, đồ dùng, quần áo không thiếu nhưng gia đình vẫn muốn đi, một phần để mua sắm, một phần xem văn nghệ, thư giãn ngày cuối tuần. Ở đây, những dịp như thế này rất hiếm”. Còn chị Quách Thị Diễm (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) cho rằng: “Phiên chợ tổ chức ở địa điểm này khá tốt, có không gian rộng rãi, thoáng đãng mà giao thông lại an toàn, rất phù hợp để người dân quanh khu vực đến mua sắm, tham quan”.
Khách tham quan, mua sắm tại phiên chợ “Hàng Việt về miền núi”. Ảnh: L.L |
Theo ông Nguyễn Văn Phương-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Pơ, phiên chợ “Hàng Việt về miền núi” năm 2017 là chương trình có ý nghĩa rất lớn trong cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Huyện mong muốn tiếp tục được tổ chức các phiên chợ hàng Việt tiếp theo để cung cấp thêm nhiều mặt hàng, sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân trên địa bàn.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) cho rằng: Về bản chất thì phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” hay phiên chợ “Hàng Việt về miền núi” không có gì khác nhau, vẫn là chương trình quảng bá, giới thiệu hàng Việt cho bà con vùng sâu, vùng xa; các hoạt động không có nhiều thay đổi. Nhưng vì Gia Lai là một tỉnh miền núi nên thực hiện theo đề án chương trình “Hàng Việt về miền núi” sẽ phù hợp hơn.
Đặc biệt, việc triển khai các phiên chợ “Hàng Việt về miền núi” sẽ nhận được mức hỗ trợ tối đa là 100%. Đây là điểm mấu chốt tạo điều kiện duy trì các hoạt động của phiên chợ cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia. Nếu như trước đây, kinh phí tổ chức một chương trình “Hàng Việt về nông thôn” khoảng 150 triệu đồng, nhưng Ban tổ chức chỉ quyết toán 70% (105 triệu đồng), 30% kinh phí còn lại chủ yếu vận động từ các cơ quan phục vụ công ích, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ. Thực hiện theo đề án chương trình “Hàng Việt về miền núi”, phiên chợ được hỗ trợ 100% kinh phí (150 triệu đồng/phiên chợ). Nhờ đó, Ban tổ chức có kinh phí để chi trả những khoản khác như: chi phí phục vụ an ninh, quản lý, vệ sinh môi trường và hỗ trợ một phần cho chương trình văn nghệ… “Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương để tổ chức phiên chợ mà bản thân các doanh nghiệp tham gia cũng “dễ thở” hơn do không phải đóng góp thêm. Thậm chí, một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng gian hàng vẫn được hỗ trợ miễn phí. Trước kia, doanh nghiệp phải trả thêm tiền để thuê gian hàng vì theo quy định của chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ tối đa là 2 gian hàng…”-bà Nguyễn Thị Bích Thu nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian gần đây, việc giảm sút doanh số bán hàng tại một số phiên chợ hàng Việt khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Bởi vậy, đề án chương trình “Hàng Việt về miền núi” là một động lực để thu hút các doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để nâng cao doanh số bán hàng, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia phiên chợ cũng cần đầu tư hơn nữa về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, tạo chương trình quảng bá, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người dân mua sắm.
Lê Lan