Kinh tế

Doanh nghiệp

"Bật đèn xanh" cho ACV "độc quyền" khai thác sân bay có lãi chỉ xã hội hoá sân bay nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mặc dù, định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không, nhưng Bộ GTVT chỉ xã hội hoá đầu tư tại các Cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi những Cảng hàng không sinh lợi nhuận cao lại giao cho ACV quản lý, khai thác “độc quyền”.
Xã hội cảng hàng không nhỏ
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi tới các Bộ, ngành đề nghị tham gia ý kiến đối với báo cáo “Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.
 
Đề xuất xã hội hoá cảng hàng không nhỏ.
Việc định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không là thực hiện theo Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư các cảng hàng không, phân loại, lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp với từng cảng để công bố danh mục cảng kêu gọi đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các cơ quan. Đến ngày 17/10/2019 Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản số 4567/CHK-KHĐT báo cáo, đề xuất “Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không” để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Sau đó, Bộ GTVT dựa trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ công bố danh mục các cảng hàng không mà nhà nước kêu gọi xã hội hoá đầu tư.
Bộ GTVT cho rằng, đây là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến định hướng phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và quốc phòng, an ninh. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù, là định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không, để kêu gọi đầu tư, thế nhưng, trong quá trình xin ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành, Bộ GTVT chỉ kêu gọi xã hội hoá đầu tư tại các Cảng Hàng không nhỏ tiềm năng phát triển chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng thu hồi vốn chậm gây ra nhiều tranh cãi.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không của Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra danh mục cảng hàng không kêu gọi xã hội hoá đầu tư chủ yếu tập trung vào các cảng hàng không nhỏ có sản lượng khai thác thấp. Trong khi đó, những cảng hàng không có sức tăng trưởng “nóng” hiệu quả kinh tế lớn, khả năng sinh ra nhiều lợi nhuận thì lại không cho thực hiện xã hội hoá mà để “ưu ái” giao cho ACV quản lý, khai thác “độc quyền”.
Cụ thể, danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hoá đầu tư toàn cảng chỉ có vỏn vẹn 3 cảng hàng không gồm: Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Đây đều là những cảng hàng không nhỏ.
“Bật đèn xanh” cho ACV “độc quyền” khai thác sân bay có lãi
Danh mục cảng hàng không không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng bao gồm 22 cảng hàng không hiện đang được ACV quản lý, khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành như: Nội Bài, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới, Thọ Xuân, Điện Biên, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau và Nà Sản. Đây là những sân bay chỉ có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không.
 
ACV là doanh nghiệp cổ phần.
Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hàng mục này lại được giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành khiến cho nhiều người băn khoăn.
Được biết, việc xã hội hoá đầu tư là huy động mọi nguồn lực của xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không và cung cấp dịch vụ hàng không.
Như vậy, việc Cục hàng không và Bộ GTVT đề xuất và “khoanh vùng” những cảng hàng không có “siêu lợi nhuận” để giao cho ACV quản lý khác mà chỉ xã hội hoá những cảng hàng không nhỏ thì liệu có thu hút được đầu tư bằng xã hội hoá và công bằng, công khai minh bạch hay không?
Trong khi đó, hiện nay ACV không phải là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước bởi đã chuyển sang mô hình Công ty cổ phần (có yếu tố tư nhân) không là cơ quan đại diện cho Nhà nước để thay mặt Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư tư nhân để đầu tư.
Đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Vậy giao cho ACV là đơn vị chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay có phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành hay không?.
Thế Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm