Nhà báo với vấn đề đạo đức nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- L.T.S: Sáng 20-6-2014 Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đạo đức nghề báo trong tác nghiệp xử lý nguồn thông tin”. Với sự tham gia của các nhà báo, hội viên đang công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Báo Gia Lai giới thiệu toàn văn đề dẫn do nhà báo Lê Hoàng Trung-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh trình bày trước hội thảo và một số nội dung tham luận đến bạn đọc.

Đạo đức nghề nghiệp được hiểu như là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội và những người trong nghề thừa nhận, quy định thành quan hệ của con người với con người trong một nghề và trong toàn xã hội theo một hệ tiêu chí riêng biệt. Mỗi xã hội, mỗi quốc gia, mỗi chế độ chính trị đều có hệ chuẩn cho hoạt động báo chí và có quan niệm khác nhau về đạo đức nghề báo. Đối với nghề báo, quan niệm về đạo đức cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt-xấu, thiện-ác. Tuy nhiên trên thực tế giữa cái xấu và cái tốt của nghề báo hiện nay, những ý đồ không tốt của tác giả trong một bài báo thật khó phân định, mà cái cốt lõi vẫn là cái tâm nhà báo và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.

 

Ra Trường Sa tác nghiệp. Ảnh: Bích Nga
Ra Trường Sa tác nghiệp. Ảnh: Bích Nga

Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 9 điều quy định đạo đức báo chí Việt Nam, những quy định này là nhằm điều chỉnh hành vi của nhà báo, ngăn ngừa những hành vi không đúng đắn, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà chỉ mang tính tự giác trên cơ sở trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức này và dựa vào tính chất của những hành vi, mỗi nhà báo sẽ phải biết tự điều chỉnh hành vi của mình trong hoạt động tác nghiệp. Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam là văn bản pháp quy đối với nhà báo. Tuy nhiên văn bản đó hầu như chưa phát huy được vai trò của nó trong hoạt động thực tiễn. Các cơ sở đào tạo nghề báo cũng không quan tâm mấy đến vấn đề đạo đức, có nơi đưa vào giáo trình giảng dạy, có nơi chỉ coi như một phần của chương trình ngoại khóa.

Trong xã hội chúng ta ngày nay, nhà báo là người cầm nắm và xử lý thông tin, sản phẩm thông tin sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người và xã hội. Hơn bao giờ hết vấn đề đạo đức nhà báo được đặt ra một cách cấp thiết nhất. Nhà báo chỉ cần sơ suất là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống, sự nghiệp một cá nhân hoặc một cộng đồng xã hội. Do đó, ngoài những tiêu chuẩn, nguyên tắc về đạo đức, cái tâm nhà báo sẽ là cội nguồn của vấn đề đạo đức nghề báo. So với nhiều năm trước thì trong mấy năm gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo đang tăng lên. Ở Gia Lai hiện nay tình hình vi phạm quy định đạo đức nghề báo tuy chưa nghiêm trọng nhưng không phải là không có. Có nhà báo đã bị xóa tên khỏi danh sách hội viên, có người bị cơ quan báo chí kỷ luật. Dư luận thỉnh thoảng có râm ran một vài nhà báo lợi dụng nghề nghiệp tư lợi cá nhân, đe nẹt, dọa nạt người khác vì mục đích riêng tư…

Báo chí ngày càng phát triển và có tác động to lớn đến đời sống xã hội, vấn đề đạo đức nghề báo cần được thực hiện một cách nghiêm túc và có tính chuyên nghiệp hơn. Trong cuốn “Cẩm nang viết tin” Peter Eng và Jeff Hodson đã nêu ra những quy tắc đạo đức nghề nghiệp như: Nhà báo giỏi chỉ phục vụ lợi ích của công chúng. Đừng dùng nghề nghiệp của mình để làm lợi cho cá nhân. Đừng dùng thông tin và từ nguồn tin của mình để kiếm tiền. Đừng dây dưa vào quan hệ làm ăn với nguồn tin và đừng để mình bị sử dụng cho lợi ích của những nhóm chính trị hay xã hội nào đó. Đừng kiếm tiền, quà hay sự giúp đỡ của những người khác, kể cả các quan chức Chính phủ, các chính trị gia và các thương nhân. Nhiều người trong số họ sẽ bảo rằng họ cho bạn những thứ này chỉ là vì tốt với bạn, nhưng thực ra họ đang gây ảnh hưởng với những loại tin-bài mà bạn viết. Họ đang hối lộ. Trong những tình huống như thế, bạn phải tự cân nhắc nên làm gì? Tuy nhiên, điều quan trọng là phải luôn phấn đấu để đạt được điều lý tưởng nhất: sự độc lập. Đừng nghĩ rằng quà hối lộ là một phần thu nhập bình thường. Chi hội Nhà báo Sài Gòn Tiếp thị đã kiến nghị Ban Biên tập báo ban hành quy định xác lập các hành vi bị cấm đối với các nhà báo Sài Gòn Tiếp thị. Bên cạnh các hành vi mà pháp luật, Điều lệ Hội Nhà báo và quy định đạo đức nhà báo không cho phép, các hành vi thỏa thuận, nhận thù lao để đưa thông tin theo đơn đặt hàng, khai thác lợi thế nhà báo cộng tác làm ngoài giờ… phục vụ lợi ích của riêng doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện, tổ chức hoạt động P.R. cho doanh nghiệp… là những hành vi bị cấm thực hiện đối với các nhà báo Sài Gòn Tiếp thị.

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Làm thế nào để nhà báo giữ được tính khách quan trong khi đưa tin, làm thế nào để nhà báo giữ được tư cách, lòng tự trọng, vị trí xã hội của mình là câu hỏi thường trực khi hoạt động tác nghiệp không chỉ của nhà báo mà cả lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, trong mối giao tiếp với nhà báo “phong bì” là chuyện bình thường nếu người đưa phong bì coi đó là khoản tiền xăng cho nhà báo. Nhưng nó sẽ không bình thường khi người ta đưa phong bì với những ý đồ muốn điều khiển nhà báo theo những lợi ích riêng. Lúc này nhà báo nhận phong bì sẽ trở thành công cụ của người khác và tự hạ thấp mình.

Vấn đề phong bì nhà báo không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đó cũng là tình trạng phổ biến của nhiều nước trên thế giới. Cách đây 3 năm, một khảo sát toàn cầu phối hợp giữa nhiều trường đại học và viện nghiên cứu (trong đó có Ngân hàng Thế giới, Mạng Báo chí quốc tế, Viện Quan hệ công chúng Hoa Kỳ…) đã xếp hạng mức độ trong sạch của báo chí thế giới, với Phần Lan nằm đầu bảng trong 66 quốc gia và Trung Quốc cùng một số nước châu Á nằm gần cuối bảng. Làng báo Trung Quốc chẳng lạ gì “văn hóa lì xì”. Theo kết quả khảo sát, “lì xì” chiếm trung bình 21% thu nhập của phóng viên và tiền hối lộ có thể chiếm 1/4 hoặc 1/3 thu nhập của tòa soạn (phóng viên đi “tác nghiệp” nhận lì xì phải chia chác lại cho các vị trưởng phòng ban trực tiếp điều hành).

Những trình bày trên là để đi đến một vấn đề là cái ranh giới giữa đạo đức và không đạo đức của nghề báo thật mong manh. Vì vậy nhà báo cần tự giữ mình là chính với thái độ của người có trách nhiệm với cộng đồng và uy tín của bản thân, của cơ quan và tổ chức Hội nghề nghiệp của mình: Hội Nhà báo.

Có thể bạn quan tâm