Kinh tế

Nhiều giải pháp tránh hạn cuối vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kế hoạch sản xuất Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn huyện Ia Pa là 7.500 ha, chủ yếu là các loại cây trồng chủ lực như lúa nước, mì, mía, rau màu các loại. Thời điểm hiện nay đang là cao điểm của việc xuống giống gieo trồng.

Đối với diện tích lúa nước trên địa bàn 2 xã Ia Trôk và Ia Ma Rơn được hưởng lợi từ nguồn nước của công trình thủy lợi Ayun Hạ nên không thiếu nước tưới cho cây trồng. Do đó nông dân xuống giống gieo sạ theo đúng thời gian và kế hoạch. Riêng các cánh đồng sản xuất lúa nước tại các xã: Chư Mố, Ia Tul, Ia Kdăm lúc trước do các công trình thủy điện trên dòng sông Ba; Thủy điện An Khê-Ka Nak; Thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A chặn dòng làm cho các trạm bơm điện Ma Năng 2, xã Kim Tân; trạm bơm Ia Kdăm, Plei Toan-xã Ia Kdăm; trạm bơm Chư Mố 1, Chư Mố 2, Chư Mố 3 xã Chư Mố bị thiếu nước nghiêm trọng.

 

 

Mực nước tại các trạm bơm này đã tiến sát mực nước chết. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa các trạm bơm điện hư hỏng, đào sâu ống nước xuống sông Ba nên đã khắc phục được tình trạng trên. Ông Ksor Thành, xã Ia Tul nói: Lúc đầu khi các công trình thủy điện chặn dòng khiến vùng hạ lưu khô hạn đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhưng từ khi lãnh đạo huyện đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo các trạm bơm nên bây giờ không sợ thiếu nước nữa.

Riêng các cánh đồng nhỏ hưởng lợi từ nguồn nước của suối Đak Pi Hiao, từ khi Thủy điện Đak Pi Hiao chặn dòng thì khu vực hạ lưu không có nước sản xuất. Giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã đề nghị lãnh đạo nhà máy thủy điện khi bước vào sản xuất lúa Đông Xuân, hàng ngày thủy điện xả nước 3 lần đảm bảo đủ nước cho nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Thủy điện Đak Pi Hiao là thủy điện nhỏ, lượng nước tích ít nhưng lãnh đạo nhà máy cũng đã cam kết thực hiện xả nước theo yêu cầu của chính quyền địa phương, không để xảy ra hạn khu vực hạ lưu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Tứ, xã Kim Tân cho biết: Khi thủy điện Đak Pi Hiao chặn dòng thì các trạm bơm điện 1 và 2 xã Pờ Tó, trạm bơm điện 1 và 2 xã Chư Răng, và trạm bơm 1 xã Kim Tân không đủ nước bơm tưới cho cây trồng đã xảy ra hạn cục bộ. Nhưng vài ba năm trở lại đây, lãnh đạo huyện làm việc với nhà máy thủy điện thống nhất lịch xả nước theo định kỳ vào mùa khô, tình trạng thiếu nước cho sản xuất đã được khắc phục.

Hầu như diện tích sản xuất Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn huyện Ia Pa đã chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, thủy điện và các trạm bơm điện trên dòng sông Ba. Nhưng để hạn chế thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra vào cuối vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo và đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng; đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã, trạm bơm nạo vét kênh mương dẫn nước tích vào ao, hồ chứa. Vận động nhân dân chuyển toàn bộ diện tích sản xuất lúa nước xa nguồn nước có khả năng bị hạn sang trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày nhằm giảm thiệt hại cho bà con nông dân. Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm Bảo vệ Thực vật thường xuyên cử cán bộ theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng, khi phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng sẽ triển khai các biện pháp phòng trừ, tránh lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chung của toàn huyện. Việc chủ động được nguồn nước tưới, sản xuất đúng tiến độ, triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ngay đầu vụ hứa hẹn vụ sản xuất Đông Xuân năm nay ở Ia Pa mang lại hiệu quả tốt.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm