(GLO)- L.T.S: Trong bảng tổng sắp về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 vừa được công bố, Gia Lai xếp thứ 47/63 tỉnh thành, trong đó có 6/10 chỉ số thành phần thấp hơn điểm trung vị của cả nước. P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về những giải pháp để nâng cao chỉ số PCI trong những năm tới.
- P.V: Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, Gia Lai xếp thứ 47/63 (tăng 1 bậc so với năm 2014). Ông đánh giá như thế nào về kết quả trên?
Ông Hồ Phước Thành: Kết quả phân tích cho thấy, PCI 2015 của tỉnh Gia Lai có 6/10 chỉ số thành phần thấp hơn điểm trung vị của cả nước. Đó là các chỉ số chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo và đào tạo lao động. So với năm 2014, tỉnh Gia Lai có 4 chỉ số tụt hạng, đó là tính minh bạch và tiếp cận thông tin giảm 0,31 điểm, tụt 19 bậc; cạnh tranh bình đẳng giảm 0,45 điểm, tụt 4 bậc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,08 điểm, tụt 2 bậc và đào tạo lao động giảm 0,22 điểm, tụt 8 bậc. Các chỉ số còn lại như: tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý có cao hơn điểm trung vị của cả nước nhưng không đáng kể và thấp hơn nhiều so với điểm số cao nhất của cả nước.
Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Có thể thấy, Gia Lai tồn tại một số nguyên nhân: Thứ nhất, mặc dù tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng chưa kịp thời, đến cuối năm 2015 mới ban hành Kế hoạch hành động số 4135/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong 2 năm (2015-2016). Điều này thể hiện mặt chủ quan là sự chậm chạp của các cơ quan tham mưu và khách quan là vào tháng 10-2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát, điều tra PCI 2015 nên các giải pháp của tỉnh chưa phát huy hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi tỉnh phải luôn luôn phát triển hơn nữa theo sự phát triển chung của xã hội, nhưng chúng ta chưa đáp ứng được kỳ vọng đó.
Bên cạnh đó, tỉnh chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông hiện đại toàn tỉnh; chưa xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; công tác cải cách thủ tục hành chính chưa được các cấp, các ngành cập nhật, thống kê, trình công bố và triển khai một cách thường xuyên liên tục. Sự phối hợp của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ; vai trò của người lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận trực tiếp giải quyết hồ sơ chưa cao. Cán bộ chưa năng động và chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thụ lý và giải quyết hồ sơ chưa thường xuyên, liên tục nên còn để tồn tại nhiều hồ sơ trễ hạn; việc bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa chưa đủ tầm, nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa sâu, thái độ phục vụ chưa được lịch thiệp, hòa nhã dẫn đến hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, gây phiền hà đến nhà đầu tư; trang-thiết bị phục vụ nhân dân tra cứu thông tin, hồ sơ chưa được quan tâm đúng mức. Đối thoại giữa các cấp, các ngành với doanh nghiệp chưa thường xuyên; chưa xây dựng được quy chế đối thoại với doanh nghiệp thường xuyên và đột xuất.
Việc tự đặt các thủ tục riêng ngoài quy định của pháp luật vẫn còn, tạo ra sự hiểu nhầm khi doanh nghiệp đến giao dịch, gây khó khăn, hạch sách, nhũng nhiễu.
Chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết sử dụng đất của tỉnh gắn với từng địa chỉ, diện tích cụ thể và định hướng sử dụng nên nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề còn thiếu và yếu. Việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp chưa gắn với địa chỉ và nhu cầu cần đào tạo của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn chưa cao...
- P.V: Theo ông, để nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư như thế nào?
Ông Hồ Phước Thành: Theo tôi, tỉnh cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính; tuân thủ quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; quyết tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng loạt rà soát thủ tục hành chính tại tất cả các ngành, lĩnh vực; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ kết hợp với xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước và kết hợp các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; triển khai thực hiện dịch vụ công về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư; phát huy vai trò của Hội đồng xúc tiến đầu tư tỉnh đã được thành lập nhằm theo sát bước chân của nhà đầu tư; chăm sóc hỗ trợ nhà đầu tư từ khi thành lập dự án đến khi đưa dự án đi vào hoạt động; đồng thời tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Xem xét thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương, thực hiện bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư. Phát huy vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai trong việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua việc phát huy vai trò của người đứng đầu; lực lượng cán bộ, công chức, viên chức điều hành quản lý nhà nước qua các cơ chế chính sách và trên tinh thần chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục giải quyết nhanh, đúng quy định của pháp luật các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thông qua các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp hay thông qua các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp được tiếp cận nguồn kinh phí khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lệ Hằng (thực hiện)