Kinh tế

Thoát nghèo bền vững nhờ dự án IFAD

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 6 năm triển khai thực hiện tại 26 xã nghèo của 5 huyện: Đak Đoa, Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Krông Pa,  Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) đã có những cách làm sáng tạo, giúp hàng ngàn hộ nghèo được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, từng bước thoát nghèo bền vững.

Nông dân hưởng lợi

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, nhất là người dân ở các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, Dự án IFAD được thực hiện từ năm 2011 đến 2017 với 3 hợp phần chính cùng nhiều tiểu hợp phần. Trong đó, dự án tập trung đảm bảo sự tham gia bền vững và có lợi cho 21.322 hộ tại 26 xã nghèo thuộc 5 huyện: Đak Đoa, Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Krông Pa.

 

Nhóm chung sở thích trồng cà phê xã A Dơk (huyện Đak Đoa) mua phân bón chung. Ảnh: N.D
Nhóm chung sở thích trồng cà phê xã A Dơk (huyện Đak Đoa) mua phân bón chung. Ảnh: N.D

Theo Ban Chỉ đạo Dự án IFAD tỉnh, đến nay, dự án đã kết thúc và mang lại hiệu quả kinh tế cho 84.292 hộ, gồm: 59.023 hộ hưởng lợi trực tiếp và 25.269 hộ hưởng lợi gián tiếp, vượt 21.322 hộ so với mục tiêu đặt ra. Điều đáng mừng là dự án đã thu hút nhiều người dân và doanh nghiệp cùng tham gia. Cụ thể, tỷ lệ tham gia của người nghèo và cận nghèo trong các nhóm chung sở thích là 67%, trong các quỹ quay vòng đạt 67-69%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động chính của dự án đạt 72-89%. Quá trình thực hiện dự án đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị chính và nhiều chuỗi giá trị bổ sung, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông với các lớp tập huấn đầu bờ như: nông dân dạy nông dân, doanh nghiệp dạy nông dân…

Nhờ đó, không chỉ các xã được hưởng lợi mà các xã khác cũng đã biết lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có định hướng thị trường. Dự án cũng góp phần phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực, quỹ cạnh tranh nhỏ và các quỹ quay vòng… phù hợp với người dân tham gia, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Duy trì, nhân rộng cách làm hay

Có thể nói, sau 6 năm thực hiện, Dự án IFAD đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân, nhất là hộ nghèo tiếp cận cách thức sản xuất nông nghiệp có đầu mối tiêu thụ rõ ràng, phù hợp với đặc thù và điều kiện thổ nhưỡng ở từng xã. Đặc biệt, những cách làm hay và sáng tạo từ dự án như: thành lập các nhóm chung sở thích mua bán chung sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra, xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, các hoạt động của quỹ quay vòng… giúp nhiều nhóm hộ sản xuất cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và mối quan hệ này đang tiếp tục duy trì, phát triển. Từ những cách làm hay, hiệu quả của dự án, nhiều địa phương đã nhân rộng sang các xã khác để người dân cùng học tập, áp dụng trong thời gian tới.

Ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, cho biết: Dự án IFAD  thực hiện tại một số xã của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn và thiết thực. Hiện các mô hình và cách làm hay của dự án đang được huyện triển khai nhân rộng sang các xã, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Bây giờ, nông dân đã sản xuất theo chuỗi giá trị chủ lực của địa phương. Dự án đã kết thúc nhưng nên tiếp tục có cơ chế duy trì, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ra. Các quỹ quay vòng rất hiệu quả giúp bà con cùng nhau phát triển kinh tế nên  cần được duy trì thường xuyên.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho rằng Dự án IFAD triển khai tại các xã trên địa bàn huyện rất hiệu quả và phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Dự án góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Các nhóm chung sở thích đã phát huy hiệu quả rất tốt, bền vững. Nhóm hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và phụ  nữ tham gia dự án rất đông và được hưởng lợi đáng kể. Vì vậy, tỉnh cần có kế hoạch phát triển thêm để giúp người dân thoát nghèo bền vững, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; duy trì, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của dự án để người dân tiếp tục hưởng lợi.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm