Bài cuối: Mái trường cho Em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chuyện chưa nhập quốc tịch Campuchia đối với Việt kiều ở Ban Lung và Stung Treng như các anh Phạm Văn Ninh và Dương Văn Út-Chủ tịch Hội Việt kiều hai thành phố này cho biết đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con. Không kể đến những trường hợp luôn bị lép vế nếu va quẹt khi tham gia giao thông trên đường, tranh chấp với hàng xóm là người Cam, đến những việc lớn bà con Việt kiều càng gặp khó khăn hơn như mua nhà, mua đất, mua xe… đều phải mượn người khác đứng tên. Thậm chí như anh Ninh thổ lộ chính anh cũng đã phải “làm cha” trong giấy khai sinh cho nhiều cháu bé để chúng đi học do cha mẹ chúng không có quốc tịch Campuchia, mặc dù đã “ở lụi” nhiều năm trên đất nước Chùa Tháp.

Vùng Đông Bắc Campuchia như Ratanakiri và Stung Treng đang có hai dạng trường học: trường của Nhà nước và trường của tư nhân, dĩ nhiên tất cả học sinh đều phải học bằng tiếng Campuchia. Đối với trường tư nhân, học phí mỗi tháng 40 USD, tuy nhiên các trường này chỉ được mở đến lớp 3. Muốn học lên phải vào trường nhà nước mà như vậy thì phải là người mang quốc tịch Campuchia. Vậy là tắc tị! Vì tương lai của con em mình, các bậc phụ huynh phải tìm đủ mọi cách cho chúng được học lên. Anh Chín Biển ở Ban Lung đã cho cậu con trai qua Pleiku, Gia Lai học đến hết lớp 5. Cháu vừa về trong hè vừa rồi và lại được anh tiếp tục cho học chữ Khmer (tiếng thì cháu đã rành). Khó khăn là vậy nhưng dẫu sao Ban Lung giáp với Gia Lai nên kiều bào ở đây còn có điều kiện cho con sang học tiếng Việt còn bà con Việt kiều xóm bờ sông ở Stung Treng thì đành chịu do tại đây không có trường dạy tiếng Việt tuy Hội Việt kiều của tỉnh và thành phố này đã hơn 20 tuổi.

 
Lớp học tiếng Việt ở Ban Lung. Ảnh: Đức Thụy
Lớp học tiếng Việt ở Ban Lung. Ảnh: Đức Thụy

Khác với Stung Treng, mặc dù mới thành lập vào tháng 5-2010 nhưng Hội Việt kiều Ratanakiri hoạt động rất mạnh. Trước hết là làm việc với Tổng hội ở thủ đô Phnom Penh cấp thẻ cho bà con để “chí ít cũng có cái gì chứng nhận mình là người Việt đang sống ở Campuchia” như anh Phạm Văn Ninh giãi bày. Không có trụ sở, Hội thuê nhà mỗi tháng 250 USD để làm việc. Ngôi nhà hai gian trên con “phố Việt Nam” ở Ban Lung được sử dụng hết công năng, gian bên này làm văn phòng Hội, gian bên kia làm lớp học tiếng Việt. Buổi chiều chúng tôi đến thăm, lớp có hơn 10 em đủ lứa tuổi nhưng đều học chung chương trình lớp 1. Sách giáo khoa do chủ xe Minh Trang chạy tuyến Gia Lai-Ban Lung giúp. Vợ chồng thầy giáo Trần Văn Hoan, Trần Thị Lài đang đứng lớp. Hoan tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa từ năm 2007 nhưng chưa có việc làm, anh Ninh đưa sang đây giúp bà con. Lớp mới học được ba ngày (khai giảng hôm 1-10). Sáng hôm sau khi chúng tôi đến lớp đông hơn, gần 30 em. Thầy giáo Hoan cho biết nếu theo danh sách đăng ký, lớp có đến 126 em, có lẽ mấy ngày tới sẽ đi học đông đủ. Anh cũng ngượng nghịu khi nghe tôi hỏi về lương “cái này thì còn chờ vào tiền đóng góp của phụ huynh, anh à!”.

Một việc làm rất tích cực của Hội Việt kiều Ratanakiri là không chỉ mở lớp tiếng Việt ban ngày mà còn mở lớp học tiếng Campuchia buổi tối cho con em kiều bào thành phố Ban Lung. Lớp trưng dụng quán cà phê nhà anh Chín Biển và do một thầy giáo tên Bi phụ trách, học sinh phần lớn là học sinh lớp tiếng Việt ban ngày, thêm một vài người lớn cũng muốn học chữ Campuchia như cô Hoàng Anh-chủ quán phở Đông Dương. Hầu như các em đều nói được tiếng Campuchia nên chủ yếu đến lớp để học viết bởi “chữ Khmer ngoằn ngoèo rất khó nhớ” một học sinh chia sẻ với tôi như vậy.

Đời sống của bà con Việt kiều ở Ratanakiri nói chung, Ban Lung nói riêng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm là vấn đề chưa được nhập quốc tịch, dẫn đến hàng loạt khó khăn khác mà những gì nêu trên chỉ là phần nhỏ. Muốn giải quyết ách tắc cơ bản đó phải ở tầm quốc gia giữa hai Nhà nước: Việt Nam và Campuchia. Còn đối với Hội Việt kiều Ratanakiri, một vấn đề quan trọng và cấp thiết đặt ra là làm sao để có được mặt bằng xây dựng lớp học và trụ sở làm việc. Giá thuê nhà sẽ tăng, không thể cứ 250 USD mãi được, trong khi đó việc học của con em kiều bào chẳng lẽ chỉ dừng ở lớp 1? Hội cũng đang tích cực vận động quyên góp song để mua được mảnh đất rộng đủ xây lớp học và trụ sở thì đây là vấn đề vượt quá khả năng của bà con. Nếu như được sự tiếp sức từ nhiều nguồn ở quê nhà, đặc biệt là tỉnh giáp biên Gia Lai, hy vọng rằng niềm mong ước của bà con Việt kiều Rattanakiri sẽ sớm trở thành hiện thực. Mái trường không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ cho các em, “giữ ngọn lửa truyền thống Việt” trên xứ người mà còn thể hiện nghĩa tình của quê hương đối với những người con xa xứ…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm