Những "quái điểu" là bản sao hoàn hảo của chim cánh cụt khổng lồ của New Zealand đã xuất hiện đồng loạt ở Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Việc tìm thấy những "quái điểu" giống chim cánh cụt ở các quốc gia trên thực sự gây sốc với giới cổ sinh vật học, bởi chim cánh cụt, với mọi tông chi họ hàng từ cổ đại đến hiện đại, được biết đến như sinh vật đặc trưng của Nam Cực và vùng băng giá phía Nam châu Đại Dương. Nhưng phân tích cho thấy chúng không phải chim cánh cụt mà là những "doppelgangers" - từ để chỉ những người không chung dòng máu nhưng trông y như anh em sinh đôi.
Chân dung phục dựng của một trong các loài "quái điểu" mới được phát hiện - ảnh: MARK WILTON |
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Zoological Systematics and Evolutionary Research hé lộ những quái điểu vừa được khai quật tại Mỹ, Canada và Nhật Bản không hẳn là chim cánh cụt khổng lồ 62 triệu tuổi của New Zealand. Chúng "trẻ" hơn rất nhiều tuổi, và được phân loại là những Plotopteridae, tức một họ chim biển đã tuyệt chủng.
Các Plotopteridae thể hiện sự tiến hóa hội tụ đáng kinh ngạc với chim cánh cụt, đặc biệt là giống loài khổng lồ đã tuyệt chủng của Nam bán cầu.
Theo nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Gerald Mayr thuộc Viện nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Frankurt (Đức), họ đã tìm được tới 9 loài "quái điểu" Plotopteridae, với tuổi đời 25-37 triệu tuổi.
Chim cánh cụt "quái vật" nổi tiếng của New Zealand - ảnh: MARK WILTON |
Nhìn bề ngoài, chúng không khác mấy so với các con chim cánh cụt "quái vật" New Zealand với những chiếc mỏ dài, lỗ mũi như khe, xương ngực, xương vai, đôi cánh tiến hóa để bơi… Có vẻ, những thay đổi của thiên nhiên vào 2 thời điểm đó đã khiến 2 loài vật không chung dòng máu tiến hóa theo cách y hệt nhau.
9 loài "quái điểu" mới được phát hiện có chiều cao ấn tượng: 1,6 đến 2 mét, tức tương đương hoặc hơn một người trưởng thành, nhưng mập hơn và nặng cân hơn nhiều.
Thu Anh (Theo EurekAlert, Daily Mail/NLĐO)