Quán internet nở rộ: Lợi bất cập hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dàn máy tính hiện đại, đường truyền tốc độ cao, quạt, máy lạnh mát mẻ, chủ quán phục vụ tận tình từ đồ ăn, thức uống, thuốc lá là những đặc điểm khiến cho các quán internet lúc nào cũng đông khách và có chiều hướng ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, đối tượng thường xuyên tới lui quán internet lại ngày càng thu hẹp, chủ yếu là các “game thủ”.
 

 

Không chỉ trên địa bàn TP. Pleiku mà ở hầu hết các huyện, thị xã, nhiều quán internet lúc nào cũng trong tình trạng “cháy” máy. Đáng chú ý hơn, đối tượng chơi tại các quán này thường là nam giới từ 8 đến 22 tuổi, thậm chí lớn hơn. Một người bình thường, đặc biệt là nữ bước vào quán internet ngay lập tức sẽ đón nhận được những ánh nhìn soi mói, không mấy thiện cảm hoặc bị buông những câu đùa cợt nhả của những người đang chơi. Từ bao giờ, quán internet trở thành điểm tụ tập của các tín đồ game online.

Tại điểm internet K.Y. (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông), bắt đầu từ 7 giờ sáng đã có một vài game thủ đứng chờ giờ mở cửa để được vào chơi, có người ngồi “luyện” từ lúc sáng sớm cho đến khi tối mịt, quán đóng cửa mới tiếc nuối rời máy. Các game chiến thuật, nhập vai thường có yếu tố bạo lực như: Võ lâm Truyền kỳ, Võ lâm Chi mộng, Liên minh Huyền thoại, Phong vân, Thần khúc, đột kích, gunny,… phần lớn đều yêu cầu người chơi phải “đầu tư” khá mạnh bằng cách nạp thẻ cào mệnh giá từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng/thẻ để nâng cấp chiêu thức, mua báu vật,… Đầu tư càng nhiều thì nhân vật của mình càng nhanh lên level (cấp độ-P.V), sức chiến đấu cũng theo đó mà mạnh hơn. Vì vậy, nhiều game thủ không ngại ngần chi “mạnh tay” cho nhân vật của mình. Chị Y.-Chủ quán internet cho biết: “Trong quán lúc nào cũng phải có sẵn thẻ game để khi người chơi yêu cầu là phải có ngay. Có nhiều em nhỏ mua một lần từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng tiền thẻ để nạp cho game, tôi cũng không biết các em lấy tiền ở đâu mà nhiều thế”.

Ngoài việc phục vụ các khách tới chơi 1-2 tiếng đồng hồ thì các quán internet cũng có thêm nhiều dịch vụ như ăn, uống tại chỗ cho người chơi “cày” thâu đêm, suốt sáng. Bên cạnh bim bim, cơm cháy, bắp rang,… thì mì tôm cũng là một trong những đồ ăn được các game thủ chống đói những lúc đang dở hiệp đấu. Cứ thế, họ ăn, uống, giải trí ngay tại quán internet. Để có thêm nhiều ưu đãi đối với người chơi lâu và thu hút khách nhiều hơn, một vài quán internet tạo tài khoản riêng cho những ai đăng ký làm hội viên. Theo đó, những hội viên nộp một số tiền nhất định vào tài khoản được chủ quán thiết lập, tiền này sẽ được trừ dần theo số giờ chơi của game thủ hay khi được yêu cầu nạp thẻ game. Hội quán Asimo (đường Trường Chinh, TP. Pleiku) có hơn 20 máy tính cấu hình mạnh chuyên phục vụ cho chơi game online.

Đặc biệt, hội viên của hội quán được khuyến mãi với giá chỉ 3.000 đồng/giờ. Bước vào quán là hàng chục thanh niên người thì cởi trần, người ngồi xổm trên ghế, người khác gác cả chân lên bàn chăm chú vào màn hình game của mình, miệng phì phèo thuốc lá và liên tục văng những từ ngữ tục tĩu mỗi khi nhân vật game bị đánh trúng như ở chốn không người. Đáng nói hơn, khi trống trường vừa tan, một vài em học sinh tiểu học liền sà ngay vào quán và chơi game, trong đó có cả học sinh nữ. Sau một hồi tỉ tê hỏi về game Zing Speed, em Võ H.Tr. (10 tuổi) quay sang nói: “Cháu có tới 4 nick (tài khoản trò chơi-P.V), cái nào cũng đang ở level từ 180 trở lên, cô thích chơi cháu cho một cái”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm