Văn hóa

Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ra Quyết định số 72/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.


Theo quy định trên, đối với di tích quốc gia đặc biệt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt phù hợp với thực tế địa phương, phạm vi và quy mô di tích. Ban Quản lý trực thuộc UBND tỉnh quản lý, gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện nơi có di tích; các tổ chức, cá nhân có liên quan, những người am hiểu về di tích (nếu có) và các quy định về di sản văn hóa.

Một bộ sưu tập gốm cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Một bộ sưu tập gốm cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lam Nguyên

Đối với di tích quốc gia, UBND cấp huyện nơi có di tích căn cứ vào số lượng, giá trị, quy mô của di tích trên địa bàn thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích, thành phần gồm lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, các phòng, ban, đơn vị, hội, đoàn thể có liên quan của cấp huyện; phân công nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích cho tổ chức, cá nhân liên quan. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp tham gia quản lý cùng các địa phương.

Đối với các di tích cấp tỉnh, UBND cấp huyện nơi có di tích căn cứ quy mô, số lượng, giá trị di tích thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ hoặc giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích cho các đơn vị chức năng liên quan hoặc UBND cấp xã.

Đối với di tích trong danh mục kiểm kê hàng năm, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chỉnh danh mục vào cuối quý III hàng năm. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có di tích giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích cho các đơn vị chức năng liên quan.

Đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký; thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia theo quy định.

Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, đầu tư, tôn tạo di tích được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành, nguồn xã hội hóa và nguồn thu từ các hoạt động của di tích. Hàng năm, UBND các cấp đảm bảo ngân sách cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; bố trí kinh phí và tổ chức huy động xã hội hóa để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Việc trùng tu, tôn tạo phải đảm bảo không phá vỡ những yếu tố gốc cấu thành di tích.

Có thể bạn quan tâm