(GLO)- Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao mức sống cho người dân.
Những kết quả tích cực
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2015-2020, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được 1.849 đợt vận động, tuyên truyền, họp dân với 110.727 lượt người tham gia và 32.280 ha đất rừng bị lấn chiếm được các hộ dân tự nguyện kê khai.
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã trồng 26.937 ha rừng (trồng rừng tập trung 22.672 ha, trồng cây phân tán 4.265 ha); khoanh nuôi tái sinh 1.300 ha; tổ chức 1.366 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng-chống cháy rừng với 95.000 lượt người tham gia; ký cam kết an toàn lửa rừng trên 80.000 cá nhân, hộ gia đình sống trong rừng, ven rừng; diễn tập chữa cháy rừng 11 đợt với 2.400 lượt người tham gia; làm 400 km đường ranh cản lửa; tu sửa, xây dựng mới 4.860 bảng biển các loại, mua sắm 7.000 dụng cụ chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: Kbang có hơn 67% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt với các biện pháp như: thành lập tổ liên ngành kiểm tra, truy quét lâm tặc; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng, gắn với thực hiện cơ chế “mua tin báo” tố giác lâm tặc; xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với đơn vị chủ rừng; rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép để theo dõi, gọi răn đe, đấu tranh làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Các lực lượng tham gia diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Gia Hưng |
Giai đoạn 2015-2020 các ngành chức năng đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ 4.300 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 4.437 vụ so với giai đoạn 2009-2014). Trong đó, xử lý 4.206 vụ (hành chính 3.991 vụ, hình sự 215 vụ), tang vật, phương tiện tịch thu 8.501,125 m3 gỗ tròn, xẻ; 258 xe ô tô, máy kéo; 839 xe máy; 99 phương tiện khác. Thu nộp ngân sách 74,5 tỷ đồng.
|
Trong khi đó, ông Trương Văn Thắng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông thì cho rằng: Chư Prông có diện tích rừng tương đối lớn. Với đặc thù có nhiều tuyến đường cắt ngang qua rừng, rừng giáp ranh với nhiều huyện và đặc biệt có đường biên giáp với Campuchia nên việc triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng và các hạt Kiểm lâm giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, tháo dỡ toàn bộ lán trại, chòi rẫy nằm trên đất lâm nghiệp nhằm đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Cần giải pháp căn cơ
Trao đổi với P.V về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho rằng: Thời gian tới, cần tăng biên chế cho lực lượng Kiểm lâm tại cơ sở. Đồng thời, các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng chế tài xử lý và đẩy mạnh việc xét xử lưu động các đối tượng vi phạm tại cộng đồng dân cư nhằm răn đe và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Các đơn vị chủ rừng cần thay đổi hình thức khoán bảo vệ rừng từ cộng đồng, nhóm hộ sang khoán theo hộ, cá nhân để nâng cao trách nhiệm của bên nhận khoán, đi đôi với quyền lợi và chế tài xử lý nghiêm minh khi để xảy ra vi phạm trên diện tích nhận khoán.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Kông Chro kiểm kê số lâm sản vừa thu giữ. Ảnh: Gia Hưng |
Nhận định về việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Tuy số vụ vi phạm, tính chất, mức độ thiệt hại rừng có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác và phá rừng vẫn còn xảy ra tại địa bàn các huyện: Ia Grai, Kbang, Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Ia Pa, Krông Pa và tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Đak Lak, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao mức sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch.
GIA HƯNG